Hạ tầng

Sau xén dải phân cách, đường Hà Nội vẫn tắc

23/04/2018, 09:27

Bất chấp nỗ lực xén hàng loạt dải phân cách, kỳ vọng giảm ùn tắc của Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa đạt được.

9

Đường Nguyễn Chí Thanh vừa được xén dải phân cách vẫn xảy ra ùn tắc do gồng gánh lượng phương tiện “khổng lồ” - Ảnh: Tạ Tôn 

Đường rộng hơn…vẫn tắc

Ghi nhận của PV Báo Giao thông trong giờ cao điểm sáng 20/4 trên tuyến đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, giao thông hết sức “căng thẳng”, người và xe kiên nhẫn nhích từng chút một.

Để tránh bị muộn giờ làm, nhiều phương tiện đã cua tay lái lên vỉa hè phía trước Bộ KH&CN để vượt các phương tiện đứng dưới lòng đường. Đoạn đường ùn tắc kéo dài tới 300m từ Bộ KH&CN đến Shoptretho Thiên đường cho bé (109 Trần Duy Hưng).Tiếp tục lưu thông được vài trăm mét, các chủ phương tiện lại ngán ngẩm vì phải đối mặt với ùn tắc ở dưới chân cầu vượt Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

"UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận cho Sở GTVT triển khai dự án xén dải phân cách giữa nhằm giảm ùn tắc cho đường vành đai 3, trong đó có trục giao thông chính như Khuất Duy Tiến, nút giao vành đai 3 - Trần Duy Hưng. Theo đó, trong năm 2018, trên cơ sở mặt bằng dải phân cách hiện có (tương đương 4 làn xe) của đường vành đai 3 dưới thấp, Sở GTVT sẽ thực hiện xén dải phân cách để mở rộng hai bên đường Khuất Duy Tiến có bề rộng từ 12 - 20m”.

Ông Trần Đăng Hải
Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội)

Thời điểm có mặt PV chứng kiến ùn tắc kéo dài từ ký túc xá trường Đại học GTVT đến tòa nhà M3 - M4 (số 91 Nguyễn Chí Thanh). Tiếp tục qua nút giao này, các phương tiện lại kéo nhau cua tay lái lên vỉa hè. Đây cũng là nguyên nhân khiến vỉa hè ký túc xá trường Đại học GTVT đang bị cày nát, tàn phá mỗi ngày. Suốt tuyến đường xén dải phân cách hơn 1,1km trên đường Nguyễn Chí Thanh, chỉ có duy nhất đoạn từ trường Đại học Lao động Xã hội đến cửa hàng Thanh Tuyền (57 Nguyễn Chí Thanh) các phương tiện di chuyển mới cảm nhận được sự thông thoáng.

Cách đây không lâu, dải phân cách rộng hàng chục mét ở giữa đường Trần Duy Hưng đã thu hẹp lại chỉ còn còn khoảng hơn 2m. Lòng đường được mở rộng với kỳ vọng xóa bỏ ùn tắc trên tuyến đường huyết mạch vào trung tâm thành phố.

Tương tự, trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh nối liền với đường Trần Duy Hưng dù mới được xén dải phân cách từ 17m xống còn 4,5m đảm bảo lòng đường được mở rộng mỗi bên 5 làn xe. Tuy vậy, trên tuyến đường này vẫn thường xuyên ùn ứ. Dù đường rộng hơn nhiều, nhưng các phương tiện vẫn phải chật vật “len lỏi” mỗi ngày trong giờ cao điểm.

Giải pháp tình thế

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Giảng viên trường Đại học GTVT khẳng định, các giải pháp bịt ngã ba, ngã tư và xén vỉa hè Hà Nội hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, để giảm ngay ùn tắc là không thể.

“Rõ ràng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn, đường có mở rộng thêm cũng khó gánh hết được. Thực tế, trên trục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, tuy đã mất cả dải phân cách nhưng tuyến đường đẹp nhất Thủ đô này cũng không được cải thiện khi ùn tắc kéo dài vẫn xảy ra”, TS. Thủy nói và cho rằng, để giảm được ùn tắc, phải giảm được lượng phương tiện.

“Nếu thành phố không có giải pháp căn cơ, đồng thời không giảm việc cấp phép xây dựng cao ốc trong trung tâm thì có mở rộng đường mấy cũng không đủ”, TS. Thủy nói thêm.

Ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, việc xén dải phân cách được Hà Nội thực hiện theo đúng nguyên tắc, không phải muốn xén thế nào cũng được. Đơn cử việc quyết định cắt xén dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh vì lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khu vực này rất lớn. Vào giờ cao điểm, tuyến đường thường xuyên ùn tắc cục bộ trong khi dải phân cách giữa rất rộng (17-20m). Việc xén dải phân cách mở rộng lòng đường còn là mục tiêu để phát triển các phương tiện công cộng, hạn chế ùn tắc trong tương lai.

“Có thể đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh phương tiện lưu thông quá đông, người dân vẫn đi theo kiểu “điền vào chỗ trống” nên ùn tắc vẫn xảy ra, nhưng mức độ ùn tắc phần nào bớt nhức nhối hơn trước. Người dân sẽ không phải chờ đợi 30 phút hay một giờ đồng hồ để qua khỏi tuyến đường như trước đây”, ông Hải nói và cho rằng, để giảm ùn tắc, ngoài xén dải phân cách, Sở GTVT Hà Nội sẽ kết hợp tổ chức phân luồng giao thông; tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; tăng cường phương tiện công cộng, cũng như mở mới các tuyến buýt phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm làn đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.