Vì sao Saudi Arabia thận trọng?
Theo hãng tin Reuters, sau khi xung đột giữa Israel - phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát ngày 7/10, nhóm phiến quân Houthis đã tăng cường tấn công tàu thuyền di chuyển trên các tuyến vận tải biển quan trọng tại Biển Đỏ đồng thời phóng máy bay không người lái, tên lửa nhắm vào lãnh thổ Israel.
Trong vụ tấn công mới nhất, ngày 3/12, lực lượng Houthis đã tấn công ba tàu thương mại tại vùng biển quốc tế mà nhóm vũ trang này cho là tàu của Israel dù phía Israel khẳng định không liên quan tới các tàu bị tấn công.
Phản ứng trước các cuộc gọi cầu cứu từ những tàu thuyền bị tấn công, tàu khu trục Carney của Hải quân Mỹ đã bắn hạ ba máy bay không người lái. Quân đội Mỹ cho rằng những tàu này liên quan tới 14 quốc gia khác nhau.
Nhóm phiến quân Houthis cho biết các cuộc tấn công nhằm thể hiện ủng hộ với người dân Palestine và đã tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công cho tới khi Israel kết thúc chiến dịch quân sự tại Dải Gaza.
Theo Reuters, các cuộc tấn công của Houthis làm gia tăng nguy cơ xung đột lan rộng tại khu vực, đe dọa các tuyến đường biển vốn là lộ trình vận chuyển phần lớn lượng dầu mỏ của thế giới, khiến các quốc gia bên bờ Biển Đỏ quan ngại trong quá trình rocket, máy bay không người lái của Houthis liên tục được phóng từ Yemen hướng về Israel.
Theo Reuters, Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới đang theo dõi sát sao và cảnh giác cao độ trong bối cảnh tên lửa Houthis bay qua lãnh thổ quốc gia này.
Chia sẻ với Reuters, hai nguồn tin thân cận với Saudi Arabia cho biết Riyadh đã đề nghị Washington kiềm chế đáp trả Houthis nhằm tránh căng thẳng leo thang.
Một nguồn tin cho biết, phía Riyadh đã bày tỏ quan điểm với Washington rằng cần chấm dứt xung đột tại Dải Gaza.
Nhà Trắng và Chính phủ Saudi Arabia từ chối phản hồi trước thông tin trên.
Theo phân tích của hãng Reuters, việc Saudi Arabia kêu gọi ngừng bắn tại Dải Gaza dường như cho thấy Riyadh muốn thúc đẩy ổn định khu vực sau nhiều năm đối đầu với Iran và các đồng minh của Tehran.
Trong bối cảnh Saudi Arabia đang tập trung và mở rộng và đa dạng hóa nền kinh tế, trong năm nay, Riyadh đã bình thường hóa quan hệ với Tehran và tìm cách thoát khỏi xung đột với phiến quân Houthis tại Yemen sau gần 9 năm.
Theo các nguồn tin của Reuters, Saudi Arabia đang tìm cách đẩy mạnh tiến trình hòa bình tại Yemen do đó quan ngại xung đột tại Dải Gaza có thể khiến tiến trình này chệch hướng.
Hơn một năm qua, tình hình tại Yemen khá yên ắng sau các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Saudi Arabia và Houthis.
Iran muốn tránh bị cuốn vào xung đột
Tại một quốc gia khác ở Trung Đông là Iran, trao đổi với hãng tin Reuters, các nguồn tin cấp cao liên quan tới Iran cho biết các cuộc tấn công của Houthis nhằm gây áp lực lên Mỹ về việc kêu gọi Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại Dải Gaza.
Một nguồn tin tại Tehran cho biết đại diện Houthis đã thảo luận về các cuộc tấn công với quan chức Iran trong cuộc họp tại Tehran vào tháng 11.
Tại cuộc họp, phía Houthis đã chấp thuận tiến hành các cuộc tấn công theo cách “có kiểm soát” trong nỗ lực nhằm gây áp lực để chấm dứt xung đột tại Dải Gaza.
Một nguồn tin khác thông tin thêm Tehran không muốn xung đột lan rộng ra khu vực nhằm tránh khả năng bị cuốn trực tiếp vào xung đột.
Mỹ và Anh đã lên án các cuộc tấn công nhằm vào hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ, cáo buộc Iran hỗ trợ phiến quân Houthis.
Về phần mình, Iran khẳng định các đồng minh của quốc gia này tự ra quyết định một cách độc lập và Tehran không liên quan tới các cuộc tấn công.
Một nhà ngoại giao Iran cho biết Tehran và Washington đã trao đổi quan điểm qua các bên trung gian về những cuộc tấn công của Houthis kể từ đầu xung đột tại Gaza. Theo nhà ngoại giao, cả Iran và Mỹ đều kêu gọi các bên kiềm chế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận