Quản lý

SBIC vẫn cổ phần hóa "đúng hẹn"

24/07/2014, 10:13

Dự kiến 4 doanh nghiệp thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay. 6 doanh nghiệp khác cũng sẽ hoàn tất công tác quan trọng này trong năm 2015.

Các đơn vị thành viên SBIC sẽ hoàn thành CPH trong năm nay và năm sauẢnh: Hoài Lâm
Các đơn vị thành viên SBIC sẽ hoàn thành CPH trong năm nay và năm sau

Cơ bản hoàn thành tái cơ cấu lao động 

Theo chương trình cổ phần hóa đã được phê duyệt, trong năm 2014 SBIC sẽ cổ phần hóa 4 đơn vị và năm 2015 sẽ cổ phần hóa 6 đơn vị. Các bước để cổ phần hóa các đơn vị trong năm 2014 đang được triển khai tích cực. Các đơn vị đã xác định được giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, sắp xếp mô hình tổ chức và lao động. 

Ông Nguyễn Quang Thăng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng cho biết, đến 25/4, tổng công ty này đã chấm dứt hợp đồng lao động dôi dư với khoảng hơn 1.200 lao động, chỉ giữ lại hơn 940 lao động tay nghề cao. Tuy nhiên, nhu cầu lao động sau tái cơ cấu chỉ khoảng 789 người nên sẽ tiếp tục cắt giảm. 

Ông Thăng cũng cho biết, nguồn trả nợ dự kiến sẽ được lấy từ lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển nhượng các dự án đầu tư, tài sản cố định không sử dụng sau cổ phần hóa, thoái vốn các công ty cổ phần...

Các đơn vị khác căn cứ theo nhu cầu thực tế cũng dự kiến mỗi đơn vị chỉ giữ lại khoảng từ 700 - 800 lao động tay nghề cao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC, các đơn vị thành viên đã bám sát đề án tái cơ cấu của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 1224. “Nguyên tắc là thu gọn các đơn vị. Các công ty con thuộc các đơn vị này cơ bản được tái cơ cấu hết. Đến nay, việc tái cơ cấu lao động đã cơ bản hoàn thành. Mục tiêu cuối cùng của tái cơ cấu là cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp”- ông Sự cho biết.

 

Chọn mặt gửi vàng

Trao đổi với chúng tôi bên lề cuộc họp, ông Sự cho biết thêm, dù các công ty thành viên rất tích cực nhưng nhìn chung tiến độ tái cơ cấu vẫn chậm do nhiều lý do khách quan, do thị trường khó khăn. Cái gì cần làm đã làm hết. Tái cơ cấu lao động, tài chính đã cơ bản xong, rút vốn doanh nghiệp cũng cơ bản hoàn thành.

 

“Theo chương trình cổ phần hóa chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, trong năm 2014 chúng tôi sẽ cổ phần hóa 4 đơn vị và năm 2015 sẽ cổ phần hóa 6 đơn vị. Các bước để cổ phần hóa các đơn vị trong năm 2014 đang được triển khai rất tích cực. Theo quy định, bước đầu các cổ đông chiến lược chỉ được mua tối đa 32% song đa phần đều mong muốn mua tới 70%. Sau khi cổ phần hóa, đối với các nhà máy đóng tàu, các đơn vị thành viên sẽ phục hồi tài sản, đầu tư mở rộng và tiếp cận thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Các công ty tập trung nâng cao quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh” - ông Sự nói.

Đến nay, các đơn vị thành viên SBIC đã xác định được giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính và xây dựng phương án kinh doanh cụ thể, chọn các nhà đầu tư chiến lược và cổ đông chiến lược để tìm kiếm cơ hội phục hồi, phát triển. Hiện trong 4 đơn vị cổ phần hóa trong năm 2014, có hai đơn vị đã lựa chọn được đối tác chiến lược nước ngoài. Hai đơn vị còn lại là Công ty TNHH Cảng Chân Mây và Công ty Tôn Vinashine cũng đang đàm phán với các đối tác.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định công nghiệp cơ khí chế tạo là ngành trọng điểm trong chiến lược công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị các công ty thành viên và SBIC tiếp tục triển khai tái cơ cấu mạnh mẽ, bám sát chỉ đạo, vướng đâu phải báo cáo ngay để có hướng xử lý kịp thời. 

 

Thiện Anh  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.