Tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn lời các chuyên gia phân tích chỉ ra, các lệnh trừng phạt liên tục của phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine có thể ảnh hưởng tới những chiến lược hợp tác giữa Nga-Trung Quốc về công nghệ kỹ thuật tiên tiến, nhất là sản xuất máy bay.
Tương lai chương trình máy bay CR929 thân rộng mờ mịt
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), thời gian gần đây, khi cả Nga và Trung Quốc đều có quan hệ lạnh nhạt với phương Tây, hai nước đã tìm cách tăng cường hợp tác về nghiên cứu và phát triển.
Năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí sẽ mở rộng hợp tác về kỹ thuật khi hai lãnh đạo nhấn mạnh quan hệ Trung Quốc – Nga đã bước vào “thời kỳ quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện”, dựa trên các sáng kiến như thành lập khu khoa học kỹ thuật và trung tâm nghiên cứu đồng thời trao đổi hàn lâm.
Mẫu máy bay CR929 - dự án hợp tác giữa Nga và Trung Quốc
Song, theo SCMP, thế cô lập mà Mỹ tạo ra với Nga có thể khiến Bắc Kinh phải nghĩ lại về tương lai quan hệ đầu tư, phát triển và thương mại công nghệ tiên tiến với Moscow, vốn bao trùm trên nhiều lĩnh vực từ hàng không dân dụng, trí tuệ nhân tạo cho đến công nghệ sử dụng cho mục đích kép (dân sự và quân sự).
Đồng thời, những lệnh trừng phạt từ phương Tây với Nga cũng sẽ đặt ra rào cản khiến Bắc Kinh khó lòng hợp tác chặt chẽ với Moscow nhất là trong công nghệ hàng không.
Cách đây nhiều năm, để phá thế độc quyền của Boeing và Airbus trong lĩnh vực máy bay, Bắc Kinh và Moscow đã tìm kiếm phát triển máy bay chở khách thân rộng. Hiện nay, hai bên đã ra đời một nguyên mẫu mang tên CR929 nhưng từ năm 2015, kế hoạch phát triển máy bay này nhiều lần bị trì hoãn.
Theo ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về kinh tế và thương mại Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược nhận định, năm 2015 khi mới khởi động, dự án CR9292 rất được ca ngợi nhưng đến nay chưa thực sự nổi bật.
Hơn nữa, cả Trung Quốc và Nga đều chưa tự chế tạo được động cơ máy bay thân rộng phù hợp nên hai nước vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài về động cơ đôi.
Do vậy, trong bối cảnh phương Tây trừng phạt Nga như hiện nay, ông Kennedy đánh giá con đường thành công của tham vọng CR9292 rất mờ mịt, theo SCMP.
Ngoài máy bay thân rộng, Trung Quốc còn tự phát triển máy bay thân hẹp mang tên C919 nhưng hầu hết bộ phận cấu thành cũng phải nhập từ các nhà sản xuất nước ngoài như động cơ, hệ thống kiểm soát, bộ phận hạ cánh, hệ thống liên lạc…
Thêm động lực thúc đẩy Trung Quốc tự chủ về công nghệ
SCMP dẫn lời chuyên gia Scott Kennedy chỉ ra, về lâu dài, khi Mỹ và phương Tây tăng cường dồn ép, mở rộng trừng phạt Nga và đe doạ áp những lệnh trừng phạt thứ cấp với Trung Quốc thì khả năng Bắc Kinh sẽ không còn lựa chọn nào ngoài việc giảm bớt quan hệ kinh tế, hợp tác với Moscow.
Bởi mạng lưới liên kết kinh tế của Trung Quốc với phương Tây lớn hơn gấp nhiều lần so với Nga và Bắc Kinh sẽ không để những mối quan hệ đó lâm nguy.
Theo báo cáo nghiên cứu Tập đoàn Rand về những điểm mạnh, điểm yếu của Bắc Kinh trong lĩnh vực hàng không quốc phòng được công bố hồi tháng 2, Trung Quốc đang phụ thuộc vào Mỹ và các đồng minh trong nhiều nguồn lực như nguyên liệu thô, linh kiện hiện đại và tài sản trí tuệ…
Trung Quốc còn phụ thuộc vào Nga, Ukraine và ở một góc độ nào đó là cả Pháp, về động cơ máy bay và động cơ máy cho tàu hải quân. Những mặt hàng này chiếm thị phần lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu vũ khí của đất nước tỷ dân trong giai đoạn từ 2015-2020 – theo nội dung báo cáo trên.
Máy bay C919 do Trung Quốc tự chế tạo
Như vậy, ông Cortney Weinbaum, nhà khoa học quản lý cấp cao tại Tập đoàn Rand, nhận định các đòn trừng phạt từ phương Tây có thể đẩy Nga tăng cường giao thương với Trung Quốc nhưng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.
Về lâu dài, mục tiêu của Bắc Kinh vẫn nhất quán đó là phải dựa vào chính mình trong những ngành công nghệ quan trọng nhằm đảo bảo an ninh kinh tế.
Dù về mặt địa chính trị, Bắc Kinh vẫn phải phải duy trì quan hệ với Nga vì lợi ích chiến lược để đối trọng với Mỹ trong nhiều vấn đề bao gồm căng thẳng tại Eo biển Đài Loan, SCMP dẫn lời ông Weinbaum cho hay.
Ông Cortney Weinbaum, nhà khoa học quản lý cấp cao tại Tập đoàn Rand nhận định: “Bắc Kinh đã và đang tìm cách thúc đẩy các ngành nghiên cứu, phát triển và sản xuất nội địa trong hàng thập kỷ qua. Họ không muốn phụ thuộc vào hệ thống của nước ngoài mà muốn độc lập để tự đưa ra quyết định quân sự. Dựa dẫm vào nước ngoài là điều Bắc Kinh không mong muốn”.
Trong vấn đề Ukraine, Trung Quốc khẳng định lập trường riêng đó là kêu gọi các bên kiềm chế, cùng tìm giải pháp ngoại giao để giải quyết xung đột tại Ukraine một cách hoà bình, đồng thời cực lực chỉ trích việc các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt với Nga, cho rằng hành động này không giúp giải quyết vấn đề.
Trong cuộc hội đàm trực tuyến đầu tiên trong năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói với người đồng cấp Mỹ Joe Biden: “Cuộc khủng hoảng tại Ukraine là điều không ai mong muốn và không có lợi cho bất cứ ai”. Ông cũng nhấn mạnh cần phải tìm ra giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận