Thử thách để dò phản ứng của Nhật Bản?
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã xác định phương tiện Dong Fang Hong 3 của Trung Quốc hoạt động trong khu vực cách đảo Ishigaki 73km về phía Bắc trong đêm 4/6.
Tàu Trung Quốc xuất hiện ở vị trí cách quần đảo Điếu Ngư/Senkaku khoảng 90km về phía Nam và khoảng 400km về phía Tây tính từ Okinawa. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp chủ quyền với quần đảo Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc)/Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản).
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, tàu Trung Quốc đã triển khai dây cáp ở phía đuôi tàu và dường như đang thực hiện khảo sát nghiên cứu.
Tàu nghiên cứu Trung Quốc và tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản
Lực lượng Nhật Bản đã yêu cầu tàu Trung Quốc dừng ngay hoạt động trên nhưng yêu cầu đã bị phớt lờ.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã trao công hàm phản đối chính thức với Bắc Kinh và đăng thông tin lên trang web chính thức của Bộ nhấn mạnh Nhật Bản rất lấy làm tiếc vì tàu Trung Quốc đang thực hiện nghiên cứu khoa học bên trong EEZ của Nhật Bản mà không trao đổi với Tokyo hay tìm kiếm sự đồng thuận từ Nhật Bản.
Các nhà phân tích cho rằng đây là động thái mới nhất trong một loạt những thử thách của Trung Quốc để dò phản ứng của Nhật Bản.
Trước đó, hồi tháng 3, một tàu Trung Quốc cũng bị phát hiện đang thực hiện khảo sát hàng hải tương tự trong vùng EEZ của Nhật Bản ngoài khơi đảo Kume, cách đảo chính của Okinawa khoảng 100km về phía Tây.
Theo luật pháp quốc tế, lãnh hải là khu vực biển gần bờ của một quốc gia là chủ thể thuộc quyền tài phán của quốc gia đó. Còn vùng đặc quyền kinh tế là khu vực biển mà một quốc gia có đặc quyền được khai thác và sử dụng tài nguyên bao gồm sản xuất năng lượng từ gió, nước cũng như đánh bắt hải sản và khoan dầu.
Tháng 9 năm ngoái, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã phải triển khai để bám sát 1 tàu khu trục Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản dù vẫn ở bên ngoài vùng lãnh hải của Nhật Bản.
Chuyên gia nhận định mục đích của Trung Quốc
Hai nước Nhật Bản và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận vào năm 2008 trong đó sẽ cùng nhau phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực mà cả hai có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhưng các cuộc thảo luận chi tiết đang rơi vào bế tắc do đó thỏa thuận này gần như chưa bao giờ có hiệu lực.
SCMP dẫn lời các nhà phân tích cho biết dù việc tàu Trung Quốc thực hiện khảo sát ngầm trong khu vực EEZ của quốc gia khác không vi phạm luật hàng hải nhưng nhìn chung quốc gia thực hiện khảo sát phải thông báo và nhận được sự cho phép từ quốc gia đang kiểm soát vùng biển đó trước khi bắt đầu.
“Trung Quốc không vi phạm văn bản luật và sự kiện mới nhất không nghiêm trọng đến mức tàu của Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để Tokyo coi là vi phạm chủ quyền” – ông Robert Dujarric – Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Đại học Temple.
Tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đi gần vùng lãnh hải của Nhật Bản năm 2021. Ảnh - EPA-EFE
Nhưng đây không phải là hành động của một quốc gia thân thiện – ông Dujarric nói.
Nhận định về mục đích trong động thái mới nhất của tàu Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng, không có khả năng tàu Trung Quốc đang dò tìm mỏ dầu hoặc tài nguyên thiên nhiên khác dưới đáy biển.
Theo họ, khả năng cao, Trung Quốc đang dò độ sâu của vùng biển này và xác định các lối đi mà tàu ngầm Trung Quốc có thể khai thác để tiến vào Thái Bình Dương từ vùng biển nông hơn ở Biển Hoa Đông.
Chính phủ Trung Quốc cũng rất quan tâm tới việc xác định cáp liên lạc ngầm để có thể khai thác hoặc phá hủy trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc là “con dao hai lưỡi” - ông Dujarric nói và dẫn lại sự việc khi Liên bang Xô viết phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới – Sputnik vào tháng 10/1957. Lúc đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Dwight D Eisenhower không phản đối việc Sputnik bay qua lãnh thổ Mỹ.
Nhưng việc sử dụng Sputnik đã tạo thành tiền lệ trong đó vệ tinh không vi phạm không phận của một quốc gia và Mỹ dựa vào lập luận này để phóng nhiều vệ tinh bay qua không phận của Liên Xô.
“Tình hình giữa Nhật Bản – Trung Quốc cũng vậy” – ông Dujarric cho biết và nói thêm: “Một khi Trung Quốc ngày càng hoạt động nhiều trong vùng EEZ của nước khác, Mỹ, Australia, thậm chí cả Nhật Bản càng có lý do để làm tương tự.”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận