Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng |
Suất đầu tư hợp lý
Được biết, nhà đầu tư IL&FS đã bày tỏ sự quan tâm và dành thời gian nghiên cứu cụ thể về dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng suốt hơn một năm qua trước khi đi đến ký kết hợp đồng nguyên tắc với VIDIFI. Đến thời điểm này, những điều khoản cơ bản của hợp đồng, trong đó, có giá trị chuyển nhượng chưa được tiết lộ nhưng được biết, tổng mức đầu tư của dự án được lập vào năm 2007 là 24.566 tỷ đồng. Mới đây, VIDIFI đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên 45.487 tỷ đồng do tăng chi phí xây dựng, thiết bị, chi phí bồi thường GPMB,...
Theo lãnh đạo VIDIFI, sau khi ký kết hợp đồng nguyên tắc, hai bên dự kiến sẽ thành lập một pháp nhân mới dưới hình thức công ty cổ phần để tiếp nhận dự án kèm theo các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Hình thức bán cổ phần là Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cổ đông lớn hiện chiếm khoảng 90% tổng số cổ phần tại VIDIFI sẽ thoái vốn khỏi doanh nghiệp này bằng cách bán cổ phần lại cho nhà đầu tư nước ngoài.
Qua việc nhà đầu tư nước ngoài mua lại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã thể hiện suất đầu tư hợp lý và tính hiệu quả của dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã từng nói: “Chỉ khi nhận thấy suất đầu tư hợp lý và hiệu quả của dự án, nhà đầu tư mới bỏ tiền ra mua, chứ giá thành đắt sẽ chẳng ai ngó ngàng đến”.
Không phải mua xong muốn thu phí giá nào cũng được
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngoài cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhà đầu tư IL&FS hiện cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu để tiếp tục mua cao tốc Hải Phòng - Hạ Long. Thời gian tới đây, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ tiến hành bán toàn bộ dự án hoặc một phần dự án hay bán quyền thu phí của 5 tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành.
Liên quan đến vấn đề dư luận cho rằng, việc bán các dự án giao thông cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm tăng gánh nặng phí cho người dân, các nhà đầu tư khi đó có quyền tăng mức thu phí để sớm hoàn vốn, ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC khẳng định, điều này là không có cơ sở. Theo ông Tuấn Anh, khi xây dựng phương án để chuyển nhượng, các chủ đầu tư và các cơ quan chức năng phải tính toán kỹ lưỡng nhiều phương án, không phải nhà đầu tư mua xong là muốn thu phí với giá nào cũng được. Quá trình này phải qua đàm phán công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân.
Đình Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận