Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp ngày 6/9 |
Không kiểm soát tài sản thì “vô phương” trong Phòng chống tham nhũng
Ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 7, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Theo giải trình của Thanh tra Chính phủ, dự thảo lần này đã quy định thành một chương riêng với nhiều quy định mới nhằm minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng. Dự thảo điều chỉnh rõ ràng hơn theo hướng, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.
Đồng thời, bỏ quy định về kê khai hàng năm, thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản. Để khắc phục bệnh hình thức, dự thảo quy định theo hướng, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Lê Thị Thủy, trong quá trình kiểm tra một số bản kê khai tài sản, để phân biệt giữa kê khai đúng hay chưa đúng vô cùng khó, nên thường được kết luận kê khai “chưa đầy đủ”. Bà Thủy ví dụ, đối tượng kê khai có 1 tỷ đồng tiết kiệm, sau 10 năm số tiền đó tăng lên 1,1 tỷ đồng, nhưng họ vẫn kê khai 1 tỷ đồng. Chính bởi điều này, bà Thủy đồng tình với việc không kê khai hàng năm, mà chuyển sang kê khai khi có biến động về tài sản.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhận định, khó khăn nhất trong PCTN vẫn là kiểm soát tài sản. Theo ông Quyền, các nước không có Luật PCTN, nhưng họ có luật về kiểm soát tài sản nên chống tham nhũng hiệu quả hơn rất nhiều. Bởi theo ông, tham nhũng là tội phạm ngầm, tội phạm ẩn, nhưng khi di chuyển tải sản sẽ phát hiện ra ngay. “Chúng ta xây dựng Luật PCTN trong điều kiện không kiểm soát được tài sản, mà không kiểm soát được thì “vô phương” trong PCTN”, ông Quyền nói và nhấn mạnh, kiểm soát tài sản chính là “bảo bối” để PCTN.
Về xác minh tài sản, ông Quyền đề nghị phải giao cơ quan tố tụng kiểm tra, xác minh tài sản, chứ không thể giao cho người không có chuyên môn làm việc này. Cùng với đó, phải quy trách nhiệm cụ thể với cơ quan thanh tra khi vào cuộc nhiều lần mà không phát hiện ra vi phạm.
Không nên quy định cơ quan Đảng trong luật phòng chống tham nhũng
Một trong những điểm mới đáng lưu ý là dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đưa Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng vào. Cụ thể, Điều 85 dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng là kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với đảng viên có hành vi tham nhũng; Quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai… Thanh tra Chính phủ cho rằng, quy định mới này xuất phát từ việc các cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong công tác PCTN. Đồng thời, các quy định này cũng căn cứ trên cơ sở các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Tuy nhiên, khi cho ý kiến, nhiều đại biểu băn khoăn về điểm này. Đại biểu Phạm Đình Cúc cho rằng, không nên quy định cơ quan của Đảng vào luật vì nếu quy định, sau này Quốc hội giám sát thế nào? Nhiều đại biểu đề nghị đây là vấn đề hệ trọng nên cần phải cân nhắc, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, vì có khi cùng là cán bộ công chức, người xử theo điều lệ Đảng, người xử theo luật là không được, phải bình đẳng như nhau. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Lê Thị Thủy cũng nêu quan điểm, không nên đưa cơ quan Đảng, Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào luật, vì Đảng lãnh đạo toàn diện chứ Đảng không làm thay.
Không có vùng cấm hay hạ cánh an toàn
Trước đó, sáng cùng ngày, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về báo cáo PCTN năm 2017 của Chính phủ. ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, hiện tình trạng tham nhũng tràn lan, phổ biến, song báo cáo của Chính phủ cho thấy các trường hợp bị xử lý quá ít. ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Thường trực Ủy ban Tư pháp và ĐB Nguyễn Thái Học, Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên đề nghị cần cụ thể hóa báo cáo tham nhũng, không nên nói chung chung kiểu “năm sau như năm trước”. "Báo cáo nói là có một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vậy một bộ phận ấy ở đâu, cơ quan, đơn vị nào?”, ông Học đặt câu hỏi.
Đề cập đến các vụ đại án đã và đang được đưa ra xét xử, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, với các vụ án lớn hiện nay, cơ quan chức năng đang giải quyết hậu quả của thời gian trước, do quản lý hạn chế, nhất là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Trong đó, có hai khái niệm đang phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập sân sau. Ông Vương chỉ ra 3 vấn đề đáng lưu ý, đó là thực hiện Luật PCTN chưa hiệu quả; tính công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chưa cao; đạo đức công vụ của cán bộ, vấn đề lợi ích nhóm và kiểm toán nội bộ, thanh tra chuyên ngành cũng chưa đạt hiệu quả. Điển hình là việc còn lợi ích nhóm, trong nhiều vụ án còn tình trạng “cầm tiền chia chỗ này, chỗ kia”.
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, báo cáo về PCTN chưa kỹ, chưa bám sát tình hình năm nay, kể cả những kết quả từ T.Ư lan tỏa ra các địa phương. Bà Nga cũng nhấn mạnh: “Trong PCTN, Tổng Bí thư đã khẳng định là không có vùng cấm và không có chuyện hạ cánh an toàn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận