1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam trong gần 10 năm trở lại đây, nhưng hệ lụy của nó đang đe dọa những thành quả của công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.
Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Cũng theo ông Khuê, hút thuốc lá điếu thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe, kinh tế và cần nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết. Nếu cho phép thuốc lá mới sẽ đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường; Thậm chí, có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy, khó kiểm soát và phát hiện.
Còn theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, có như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề lớn và nghiêm trọng về sức khỏe với người dân.
Cần kiểm soát sớm các loại thuốc lá mới
Theo ông Khuê, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá là rất cần thiết để quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian, dự kiến tối thiểu 3-5 năm. Trong khi đó, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt ở đối tượng học sinh, sinh viên. Do đó, quan điểm của Bộ Y tế cần là phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh cho có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khỏe.
"Trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện", ông Khuê nhấn mạnh.
Tháng 10/2023, Bộ Y tế nhận được tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối thuốc lá điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam.
Tháng 3 vừa qua, WHO tiếp tục gửi bản Khuyến nghị Quốc hội lần 2 về việc ban hành "Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán thuốc lá điện tử hoặc "vape", các sản phẩm nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như quảng cáo hoặc khuyến mại các sản phẩm này tại Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận