Báo Giao thông trao đổi với ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ về việc cần thiết xây dựng Nghị định, cũng như lợi ích của người dân khi có Nghị định này.
Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Giải quyết sẽ bớt chồng chéo
Vì sao phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo trong thời điểm này, thưa ông?
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước cập nhật, khai thác hiệu quả các dữ liệu về khiếu nại, tố cáo; đồng thời đem lại lợi ích cho người dân khi giải quyết sớm hơn, hiệu quả hơn những vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ nhằm giải quyết nhu cầu, nguyện vọng, phản ánh của người dân, mà còn giúp cơ quan Nhà nước thêm thông tin, phản ánh của người dân để phục vụ công tác quản lý, điều hành, chấn chỉnh bộ máy.
Hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số tồn tại, mà một trong những điểm chưa tốt là hệ thống thông tin của chúng ta chưa thông suốt, nhiều khi tiếp nhận và giải quyết còn có hiện tượng chồng chéo, trùng lặp.
Thứ nữa, các cơ quan Nhà nước hiện nay muốn khai thác, hình dung hiện tượng khiếu nại, tố cáo ở các địa phương, bộ ngành như thế nào để góp phần điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp thì cũng rất khó khăn vì chưa có hệ thống thông suốt dữ liệu.
Từ 3 năm trước, Thanh tra Chính phủ cũng đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại tố cáo. Hiệu quả hoạt động của hệ thống này ra sao, thưa ông? Vì sao có “kho” dữ liệu rồi mới xây dựng quy định hoạt động?
Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã chủ động xây dựng phần mềm để các cơ quan tổ chức có thẩm quyền có thể cập nhật, khai thác làm sao có hiệu quả.
Tuy nhiên, do chưa có các quy định về trách nhiệm cập nhật, quy tắc về quản lý và sử dụng, nội dung thông tin trong hệ thống… nên hiệu quả còn hạn chế.
Và về mặt pháp lý, theo Luật Công nghệ thông tin hiện nay thì tất cả những gì gọi là cơ sở dữ liệu quốc gia thì phải do Chính phủ quy định.
Đó là lý do cần phải có Nghị định của Chính phủ để quy định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo.
Giảm hiện tượng “làm cho hết trách nhiệm”
Người khiếu nại, tố cáo sẽ băn khoăn, việc bảo mật dữ liệu khiếu nại, tố cáo được thực hiện thế nào khi trở thành “kho” dữ liệu dùng chung?
Việc bảo mật thông tin sẽ được thực hiện nghiêm túc bằng hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật bảo mật kỹ thuật số.
Sau khi Nghị định được thông qua, hạ tầng số sẽ được xây dựng nhằm đồng bộ các số liệu, phục vụ công tác nhập và truy xuất dữ liệu được thực hiện dễ dàng, nhanh gọn nhưng đảm bảo tính an toàn, bảo mật thông tin.
Nhưng nếu đầu mối tiếp nhận khiếu nại, tố cáo không muốn cập nhật vào “kho” chung để dễ bề bao che, có chế tài để có thể phát hiện, xử lý không, thưa ông?
Nguyên tắc giải quyết khiếu nại tố cáo là phải báo cáo. Những vụ việc được cập nhật trong dữ liệu phải được giải quyết.
Thực ra ở thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như bây giờ, cũng khó có thể lẳng lặng, ỉm đi những ý kiến của nhân dân mang tính chất nổi cộm, có biểu hiện tiêu cực, sai phạm. Có nhiều kênh thông tin để các cơ quan Trung ương có thể nắm bắt được nội dung người dân đang bức xúc, phản ánh như báo chí, mạng xã hội…
Vậy có thể kỳ vọng, khi hiện diện trong “kho” dữ liệu chung, sẽ không còn chuyện vụ việc khiếu nại, tố cáo bị “chìm xuồng” hoặc dây dưa không giải quyết?
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu này nhằm đồng bộ được những dữ liệu, đảm bảo chính xác thông tin về phục vụ công tác quản lý, điều hành.
Khi đã đẩy lên hệ thống thì không thể tùy tiện thay đổi, xóa bỏ dữ liệu được, chính vì thế các cấp có thẩm quyền hoàn toàn có thể xem xét các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo (khi cần thiết) ở đơn vị nào đó có đúng không.
Chính vì thế đơn vị này không thể giải quyết khiếu nại, tố cáo của cá nhân tổ chức theo kiểu qua loa, vô trách nhiệm.
Hiện nay có tình trạng làm cho “hết thẩm quyền”, “hết trách nhiệm”.
Có nghĩa là nếu thấy khó thì cứ làm theo đúng thủ tục, ban hành quyết định giải quyết “cho xong chuyện” dù biết người dân không đồng tình và sẽ khiếu kiện lên cấp trên hoặc hướng dẫn người dân đến cơ quan khác, rồi đơn thư của người dân cứ vòng vo, không được giải quyết triệt để, thực chất.
Chính vì thế việc giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu nại, tố cáo mới là điều quan trọng. Chứ không đơn thuần là việc chúng ta giải quyết được bao nhiêu vụ, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm. Việc này liên quan đến chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Khi dữ liệu được cập nhật trên hệ thống, anh không thể thay đổi một cách dễ dàng như dữ liệu đang nằm trong bàn làm việc của của anh hay cơ quan anh.
Cảm ơn ông!
Ai được quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu?
Dự thảo Nghị định nêu rõ, các cơ quan có trách nhiệm cập nhật các thông tin, vụ việc được khai thác thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu bao gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong phạm vi toàn quốc.
Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng và các Ban đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các ĐNBQH có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong phạm vi toàn quốc.
HĐND và UBND, Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh và đại biểu HĐND cấp tỉnh có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh.
Các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin khác theo quy định của pháp luật cũng được quyền khai thác Cơ sở dữ liệu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận