Đầu tư hiệu quả luồng tuyến đường thủy sẽ thúc đẩy tăng trưởng vận tải |
Từ luồng tuyến đến cảng, bến đều xã hội hóa được
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy có hai mảng quan trọng nhất là luồng tuyến và cảng, bến thủy nội địa. Trong đó, theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) VN, lĩnh vực cảng, bến từ lâu chủ yếu được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, còn hầu như chưa có vốn xã hội hóa đầu tư vào luồng tuyến. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT về xây dựng giải pháp thu hút vốn đầu tư xã hội vào kết cấu hạ tầng đường thủy, Cục ĐTNĐ VN đã đề xuất huy động vốn đầu tư xã hội hóa vào hàng loạt dự án theo hình thức BOT, BT.
"Vốn bảo trì đường thủy hoàn toàn do ngân sách Nhà nước cấp, hiện chỉ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu. Năm sau, khi 10 Đoạn quản lý đường thủy nội địa còn lại trực thuộc Cục chuyển sang doanh nghiệp cổ phần, vốn bảo trì sẽ hoàn toàn được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu. Và khi đó tiền bảo trì vào doanh nghiệp cổ phần sẽ sinh lời, thay vì không sinh lời như khi đặt vào đơn vị sự nghiệp”. Ông Trần Văn Cừu Cục trưởng Đường thủy nội địa VN |
Ông Hoàng Minh Toàn - Phó Cục trưởng ĐTNĐ VN cho biết, một số dự án áp dụng hình thức đầu tư BT như: Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (Tiền Giang), tuyến Vạn Gia - Ka Long (Quảng Ninh, giáp biên giới với Trung Quốc), cải tạo tuyến luồng kết hợp đầu tư cảng bến trên sông Hàm Luông (Bến Tre).
Các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cảng đầu mối quan trọng như: Cảng Phù Đổng, Sơn Tây, cụm cảng Ninh Phúc đầu tư theo hình thức BOT hoặc ngân sách Nhà nước, sau đó bán cho nhà đầu tư.
Một số dự án cải tạo, nâng cấp luồng tuyến khác như: Ninh Bình - Thanh Hóa, Việt Trì - Yên Bái… được bóc tách các hạng mục để kêu gọi đầu tư (như nạo vét, xây dựng kè, báo hiệu) hoặc các dự án nâng cấp luồng vùng cửa sông pha biển cũng được đầu tư theo hình thức BT (nhà đầu tư nạo vét luồng chuẩn tắc và được thu sản phẩm tận thu là cát, sỏi).
Cũng theo ông Toàn, hình thức đầu tư BOO (nhà đầu tư tự bỏ vốn đầu tư và tự quản lý, khai thác) cũng sẽ được áp dụng cho dự án xây dựng công trình cảng, bến thủy chuyên dùng. Ngay cả các cầu vượt sông hiện có tĩnh không thông thuyền thấp (và vốn gây cản trở tàu thuyền) cũng có thể được xã hội hóa đầu tư, bằng cách nâng cầu và thu phí đối với những phương tiện được hưởng lợi, ví dụ như cầu Bình Lợi (TP HCM) sẽ được triển khai thí điểm. “Nguyên tắc đầu tư xã hội các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy là đảm bảo lợi ích của ba nhà: Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp vận tải”, ông Hoàng Minh Toàn nói.
Thu hút nhà đầu tư ngoại
Theo cơ chế xã hội hóa đầu tư, tới đây, trên đường thủy nội địa sẽ có hình thức thu phí sử dụng luồng tuyến để hoàn vốn cho đầu tư. Cục ĐTNĐ VN đang xây dựng dự thảo thu phí sử dụng đường thủy nội địa để trình Bộ GTVT xem xét, ban hành.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Cừu - Cục trưởng ĐTNĐ VN cho biết, một số dự án ưu tiên đầu tư như: Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, kênh Măng Thít ở phía Nam sẽ hoàn thành và bắt đầu thu phí từ năm 2016. Sau đó là các dự án ở phía Bắc như: Vạn Gia - Ka Long, kênh Yên Mô, tuyến Việt Trì - Lào Cai... cũng được tính đến.
Nói về khả năng nhà đầu tư nước ngoài tham gia xã hội hóa dự án luồng tuyến đường thủy, ông Cừu cho rằng chắc chắn tới đây sẽ có. Bởi trước đây, cũng từng có nhà đầu tư đến từ Nhật, Đài Loan xin đầu tư vào dự án kênh Chợ Gạo. Với nhiều tiềm năng chưa khai thác hết và với cơ chế rộng mở, tới đây nhiều nhà đầu tư sẽ xem đường thủy là kênh đầu tư hấp dẫn để lựa chọn.
Bàn về xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng GTVT đường thủy, ông Phạm Minh Nghĩa - Chủ tịch Hội Vận tải thủy VN cho rằng, nên bán gần chục cảng thủy đầu mối còn lại mà có phần vốn Nhà nước. Có thể huy động xã hội hóa đầu tư luồng tuyến với hình thức “đổi luồng lấy hạ tầng”, cho nhà đầu tư quyền sử dụng các bãi giữa sông, san lấp ven sông, ven bờ. Đồng thời, các dự án đầu tư kêu gọi vốn xã hội hóa cũng cần được quy hoạch chi tiết, công khai để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
“Việc cho phép thu phí đường thủy để có vốn tái đầu tư và bù đắp chi phí thường xuyên là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh tăng chi phí đầu tư, nên thu qua hệ thống cảng vụ đường thủy hiện có và nguyên tắc chỉ thu trên những luồng tuyến đã được đầu tư hiệu quả”, ông Nghĩa đề xuất.
Huy Lộc
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận