Chiều ngày 7/4, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3, phía Bộ Công thương đã giải đáp nhiều câu hỏi “nóng” của báo giới về giá điện; về đầu ra nông sản; về hiệu quả các dự án bauxite...
Nhà máy bauxite Tân Rai - Ảnh: VTCNews |
Bauxite sau lỗ, sẽ lãi
Tại cuộc họp báo, ông Bùi Quang Chuyện, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng khẳng định tính khả thi của hai dự án bauxit Tân Rai và Nhân Cơ. Theo ông Bùi Quang Chuyện, 2 dự án có thời gian đầu tư 30 năm, và theo tính toán, dự án Tân Rai chỉ lỗ trong 3 năm đầu, 12 năm sau sẽ hoàn vốn, sau đó có lãi; còn dự án Nhân Cơ lỗ trong 7 năm đầu, hoàn vốn trong 13 năm. “Đấy là tính toán trên cơ sở giá bán của dự án, còn trên thực tế giá bán trên thị trường đang cao hơn mức giá dự toán này, do đó dự án có thể cắt lỗ và hoàn vốn nhanh hơn nữa. Bộ Công thương đang tính tới lộ trình cổ phần hóa, sớm hoàn vốn cho 2 dự án trên”, ông Chuyện cho hay.
Về các đề xuất ưu đãi cho hai dự án bauxite thí điểm, lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng khẳng định là để dự án hoạt động hiệu quả và hợp lý hơn, chứ không phải để bù lỗ. Như đề xuất áp thuế xuất nhập khẩu 0% cho các nguyên liệu phục vụ dự án cũng chỉ là đề xuất theo quy định hiện hành, sản phẩm xuất khẩu nếu là tài nguyên khoáng sản đã chế biến thì thuế suất nhập khẩu là 0%; chưa chế biến thì không phải chịu thuế suất. Còn về đề xuất giảm phí môi trường cho khai thác bauxite bằng 10% phí khai thác, ông Chuyện cho biết hiện áp mức phí môi trường từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn (tương đương 51.000 - 85.000 đồng/m3) là quá cao, lên tới gần 100% giá thành khai thác quặng bauxite. Quy trình khai thác quặng bauxite (để sản xuất alumin) tương tự như khai thác đất (để san lấp, xây dựng công trình, hoặc làm gạch, ngói), tuy nhiên phí môi trường đối với khai thác quặng bauxite lại cao gấp 25 - 30 lần khai thác đất, nên Bộ Công thương đề xuất áp mức phí môi trường chỉ bằng khoảng 10% phí khai thác...
Sẽ xây dựng kho trung chuyển nông sản tại cửa khẩu
Liên quan đến câu chuyện đầu ra nông sản đang làm “nóng” dư luận thời gian này, ông Trần Thanh Hải, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu thừa nhận để xảy ra chuyện dưa hấu ách tắc ở cửa khẩu có vấn đề quản lý chưa hoàn thiện. Dưa hấu là mặt hàng mới được đưa vào xuất khẩu, năm nay thời tiết thuận lợi cho dưa hấu nên sản lượng dưa tăng đột biến và cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, vụ thu hoạch diễn ra trong thời gian ngắn trong khi khâu bảo quản của chúng ta còn yếu nên dưa hấu không thể lưu kho lâu để đợi thời điểm thuận lợi bán ra. Thêm vào đó, với phương thức làm ăn cá nhân, bà con cứ nghe dưa hấu bán ở cửa khẩu được giá là vội chở dưa lên cửa khẩu, lên đó mới đi tìm đầu mối nhập hàng, chào hàng nên dễ bị ép giá. Ngoài ra, chính sách quản lý thương mại vùng biên Trung Quốc chỉ cho nhập khẩu ở cửa khẩu Tân Thanh cũng khiến hàng hóa dồn ứ...
Giải quyết vấn đề đầu ra nông sản, ông Hải cho hay trước mắt, Bộ Công thương đã khẩn trương thông báo với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, phối hợp với thương vụ Trung Quốc tạo điều kiện đưa dưa hấu sang; đề xuất hai bên cùng kéo dài thời gian thông quan đến 9h tối, cử người lên cửa khẩu cấp giấy chứng nhận hàng hóa trong thời gian nhanh nhất. Về lâu dài, tránh những sự cố như câu chuyện dưa hấu xảy ra, Bộ Công thương sẽ tăng cường khuyến khích, tuyên truyền cho bà con điều tiết lượng nông sản lên cửa khẩu hợp lý, nắm bắt nhu cầu và điều kiện của thương lái nước bạn để giúp bà con ta phân loại nông sản ngay từ trong nước, tránh đưa lên cửa khẩu những hàng hóa không đạt điều kiện rồi lại phải vứt bỏ. Thậm chí, phải phối hợp với nước bạn để chuẩn bị sẵn bao bì đúng quy cách để tránh mất thời gian đóng bao bì cho sản phẩm ở khu vực cửa khẩu như khi xuất khẩu dưa hấu hiện nay. Bộ Công thương cũng đang đề xuất xây dựng kho bãi để trung chuyển hàng hóa ở cửa khẩu, giúp lượng xe không dồn ứ gây ùn tắc, và sản phẩm khi được bảo quản trong kho cũng sẽ tốt hơn phải dãi nắng dầm mưa ngoài trời. Đồng thời, Bộ Công thương cũng sẽ đàm phán với phía Trung Quốc để có chính sách thương mại vùng biên thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu nông sản ở Việt Nam.
EVN chưa đề xuất tăng giá điện
Tại buổi họp báo, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đinh Thế Phúc thông tin, đến thời điểm này chưa nhận được đề xuất tăng giá điện của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), dù đúng là giá than tăng từ ngày 1/1/2014 đã ảnh hưởng nhiều đến giá thành điện. Ông Phúc cũng khẳng định ngành điện đã lên kế hoạch đảm bảo đủ điện cho mùa khô tới, trừ trường hợp sự cố xảy ra. Liên quan đến việc EVN tính toán chi phí xây biệt thự, sân gold vào giá điện, ông Phúc cho hay tháng 4 này sẽ có những thông tin công khai, minh bạch hóa về giá điện, giá xăng dầu.
Hải Quỳnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận