Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Tại tờ trình dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, quy chuẩn này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, đánh giá và công bố đưa bến xe hàng vào khai thác; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý hoàn thiện hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý Nhà nước về hoạt động của bến xe hàng trên toàn quốc.
Theo Cục ĐBVN, thời gian qua, thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 12/2020, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ, Quy chuẩn quốc gia về bến xe khách.
Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ có quy định bến xe ô tô hàng có quyền, nghĩa vụ sắp xếp xe ô tô vào bến xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ kho bãi, ký gửi, đóng gói, bảo quản hàng hóa; phải bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương.
Tại Nghị định 10/2020 khẳng định bến xe ô tô hàng (bến xe hàng) là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô vận tải hàng hóa xếp, dỡ hàng hóa và các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động vận tải hàng hóa và quy định bến xe hàng chỉ được đưa vào khai thác sau khi doanh nghiệp công bố và thông báo đến Sở GTVT địa phương.
Hiện nay, trong lĩnh vực quản lý hoạt động của các bến xe, Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cảng cạn. Tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng bến xe hàng vẫn có các đặc điểm đặc thù riêng, nên việc hình thành Quy chuẩn quốc gia về bến xe hàng là yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả nhà nước đối với hoạt động của bến xe hàng trên toàn quốc.
Đồng thời đưa ra các yêu cầu tối thiểu cần đáp ứng cho các bến xe hàng nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ… trong quá trình hoạt động.
"Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng nhằm cung cấp các yêu cầu tối thiểu đối với mỗi loại bến xe để các đơn vị kinh doanh bến xe đối chiếu thực hiện đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành, đồng thời tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý hoạt động của bến xe hàng trên toàn quốc nhằm đảm bảo trật tự vận tải và an toàn giao thông", Cục ĐBVN nhấn mạnh thêm.
Bến xe hàng phải đáp ứng yêu cầu nào?
Tại dự thảo quy chuẩn, bến xe hàng được định nghĩa là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô vận tải hàng hóa xếp, dỡ hàng hóa và các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động vận tải hàng hóa.
Bến xe hàng được xây dựng độc lập hoặc nằm trong khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu vực cảng biển, cảng thuỷ nội địa, cảng hàng không hoặc nằm trong khu hạ tầng kỹ thuật khác.
Bến xe hàng chỉ được đưa vào khai thác sau khi đơn vị kinh doanh bến xe hàng công bố và thông báo đến Sở GTVT địa phương; điểm đấu nối của đường ra, vào bến xe với đường quốc lộ phải được thực hiện theo đúng quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đường ra, vào phải được thiết kế theo các quy định của TCVN 4054:2005, bảo đảm lưu thông thuận tiện của phương tiện ra, vào bến; đường lưu thông dành cho xe cơ giới trong bến phải có các biển báo hiệu, vạch kẻ đường để đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông an toàn trong khu vực bến xe. Bến xe hàng phải tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, bến xe hàng phải bảo đảm thực hiện được các chức năng cơ bản: Cung cấp các dịch vụ xe ra, vào bến xe; Cung cấp các dịch vụ phục vụ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, dịch vụ trông giữ phương tiện vận tải hàng hoá; Cung cấp dịch vụ xếp, dỡ hàng hóa và các dịch vụ khác hỗ trợ cho hoạt động vận tải hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Dự thảo quy chuẩn cũng quy định các hạng mục công trình cơ bản của bến xe hàng được chia làm hai nhóm gồm: Các công trình bắt buộc phải có và các công trình dịch vụ thương mại.
Trong đó, các công trình bắt buộc phải có gồm: Khu vực đỗ xe ô tô vận tải hàng hoá; Khu vực đỗ xe dành cho phương tiện khác; Khu vực làm việc của bộ máy quản lý; Bãi hàng hóa; Kho hàng hóa đối với bến xe loại 1, loại 2, loại 3; Khu vệ sinh.
Có phần mềm quản lý bến xe, cung cấp dữ liệu cho Sở GTVT
Dự thảo quy chuẩn phân loại bến xe hàng gồm 6 loại theo số thứ tự từ 1 đến 6, được xếp dựa theo các tiêu chí như: Tổng diện tích (tối thiểu); Trang thiết bị bốc, xếp bằng cơ giới; Văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ (tối thiểu); Diện tích khu vệ sinh; Diện tích dành cho cây xanh, thảm cỏ; Đường xe ra, vào bến; Mặt sân bến; Hệ thống cung cấp thông tin; Hệ thống thoát nước; Hệ thống cứu hoả.
Tại quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dự thảo đề xuất địa điểm phải được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng tường rào, trừ địa điểm nằm trong khu vực cửa khẩu, khu công nghiệp, cảng hoặc nằm trong khu hạ tầng kỹ thuật khác đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh. Có phần mềm quản lý bến xe để lưu trữ, trích xuất liên quan đến thông tin xe ra, vào bến; cung cấp dữ liệu cho Sở GTVT địa phương khi có yêu cầu bằng văn bản.
Đồng thời quy định chi tiết về Quy định về bảo vệ môi trường; Quy định về hệ thống cung cấp thông tin; Quy định về trạm cấp nhiên liệu, trạm sạc cho xe điện, khu bảo dưỡng sửa chữa và nơi rửa xe của bến xe hàng.
Dự thảo quy định mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động liên quan đến xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp bến xe hàng phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn này.
Ngoài ra, Sở GTVT địa phương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn này đối với các đơn vị kinh doanh bến xe hàng trên địa bàn địa phương.
Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chuẩn này.
Trong quá trình triển khai thực hiện quy chuẩn, nếu có khó khăn, vướng mắc, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến gửi về Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp và báo cáo Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận