Chuẩn camera mới
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, thời gian gần đây vẫn còn một số ý kiến trái chiều của doanh nghiệp liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn của camera lắp đặt trên phương tiện kinh doanh vận tải.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách đều băn khoăn trong việc lựa chọn thiết bị, do chưa có quy chuẩn. Họ đang băn khoăn không biết lắp camera theo tiêu chuẩn nào để sau này được chấp nhận và không lãng phí.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Đất Cảng thắc mắc: “Camera giám sát không chỉ giúp cán bộ điều hành của doanh nghiệp theo dõi thái độ phục vụ của nhân viên đối với hành khách trên xe, mà còn là công cụ cung cấp thông tin điều tra trong trường hợp hành khách bị mất đồ”.
Theo ông Hải, hiện quy chuẩn hợp quy của camera giám sát chưa được quy định rõ nên đơn chưa biết có được tiếp tục sử dụng camera hiện đã lắp hay phải lắp mới. Nếu camera đang sử dụng không tương thích với hệ thống máy chủ của Tổng cục Đường bộ VN mà phải lắp mới thì lãng phí.
Liên quan đến vấn đề này, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đang lấy ý kiến dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về thiết bị camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải được quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Theo đó, TCVN về thiết bị camera giám sát lần này quy định là camera là một thiết bị giám sát hành trình công nghệ 4G được gắn thêm đầu thu camera.
Camera giám sát được lắp đặt trên xe kinh doanh vận tải
Bên cạnh đó, TCVN cũng quy định cụ thể về định dạng video, định dạng và kích thước ảnh, thời gian lưu trữ. Thiết bị ghi nhận hình ảnh làm việc của lái xe, với xe khách ghi nhận thêm cửa lên xuống và khoang hành khách. Hình ảnh ghi nhận rõ nét trong mọi điều kiện ánh sáng (kể cả ban đêm) và được đính kèm các thông tin: Biển kiểm soát, thông tin lái xe, tọa độ, thời gian.
Dự thảo TCVN cũng nêu rõ, thay vì lắp cả 2 thiết bị trên xe, chỉ cần lắp 1 thiết bị camera giám sát hành trình. Theo một chuyên gia công nghệ, việc này giúp giảm chi phí duy trì, từ việc duy trì 2 simcard còn 1 simcard, 2 chi phí bảo hành còn 1 chi phí bảo hành, giảm tránh tổn hại ắc quy và hao phí nhiên liệu.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, vừa qua hàng loạt các nhà cung cấp đã đổi mới công nghệ, đi theo xu hướng tích hợp GSHT và camera, để tiện lợi sử dụng, giảm chí phí đầu, chi phí vận hành.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên gia tăng tiện ích và cắt giảm chi phí là điều cần tính tới. Hiện có khoảng 7 đơn vị như: Bình Anh, ADSUN, SKYSOFT, VIETMAP… đang cung ứng sản phẩm thiết bị GSHT 4G tích hợp đầu thu camera theo xu hướng tiến bộ công nghệ như dự thảo nói trên.
Doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) cho hay, TCVN cũng giúp người sử dụng không mất thời gian đọc hiểu các văn bản pháp luật vốn có nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp mà chỉ cần lựa chọn đúng sản phẩm phù hợp với TCVN.
Nghị định 10 chưa bắt buộc thiết bị phải theo tiêu chuẩn hay quy chuẩn nào, chỉ yêu cầu các tiêu chí đầu ra hình ảnh và truyền dữ liệu. Do vậy, doanh nghiệp vận tải lắp thiết bị camera đáp ứng tính năng của thiết bị quy định tại Nghị định 10 và Thông tư 12 vẫn đáp ứng yêu cầu.
“TCVN camera giám sát hành trình vừa đáp ứng được tính năng theo yêu cầu của Nghị định 10 vừa đảm bảo minh bạch. Doanh nghiệp yên tâm sản xuất thiết bị, giúp cho người tiêu dùng tin tưởng và thêm sự lựa chọn. Doanh nghiệp vận tải và nhà cung cấp thiết bị hợp tác trên cơ sở chất lượng được Tiêu chuẩn quy định”, ông Hà nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho hay, Tiêu chuẩn không bắt buộc áp dụng, nhưng định hướng và khuyến khích cho người sử dụng lựa chọn.
Cũng theo ông Quyền, rất nhiều đơn vị vận tải mong muốn có chuẩn về thiết bị camera. Việc tích hợp thiết bị GSHT và camera để giảm chi phí lắp đặt, giảm thao tác nhập liệu, giảm chi phí truyền dữ liệu từ 2 đường truyền còn 1 đường truyền và giảm các chi phí duy trì lâu dài về sau.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, hiện chưa có Tiêu chuẩn camera nên Tổng cục Tiêu chuẩn đề xuất xây dựng. TCVN về camera giám sát sẽ là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp sản xuất thiết bị. Khác với Quy chuẩn là bắt buộc, Tiêu chuẩn doanh nghiệp được tự nguyện áp dụng. Doanh nghiệp cung cấp thiết bị camera được lựa chọn áp dụng và công bố theo Tiêu chuẩn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận