Đường bộ

Sẽ đề xuất lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ

15/01/2025, 18:56

Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, vùng Đông Nam Bộ muốn phát triển phải có cơ chế, chính sách đột phá; thành phố sẽ tận dụng Nghị quyết 98 để đề xuất thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.

Ngày 15/1, UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND các tỉnh Đông Nam Bộ và Long An nhằm đánh giá tiến độ triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội, các dự án trọng điểm, liên kết vùng.

Sẽ đề xuất lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ- Ảnh 1.

TP.HCM ưu tiên phát triển không gian xanh, hạ tầng giao thông.

Cần lập quỹ phát triển hạ tầng liên vùng

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành đã thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng, thúc đẩy hạ tầng giao thông liên kết vùng, thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ. 

Ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng thời gian tới, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành các dự án trọng điểm. 

Đồng Nai đang phối hợp với Bộ GTVT và TP.HCM rà soát quy hoạch, nguồn vốn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đô thị kết nối TP.HCM với Đồng Nai, kết nối sân bay Long Thành. 

Ông Đức đề nghị TP.HCM tiếp tục có những phối hợp tích cực để thực hiện dự án, đồng thời phối hợp để sớm khởi công mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng như nhiều dự án khác nhằm giảm tải áp lực giao thông cho vùng. 

Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, nguồn quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ rất quan trọng trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng của vùng đang rất lớn. 

Bà đề nghị các tỉnh, thành có ý kiến sửa đổi các nghị định, tạo cơ chế thành lập quỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn các địa phương thống nhất, sớm ban hành chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số cho vùng Đông Nam Bộ. 

Sẽ đề xuất lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ- Ảnh 2.

Các địa phương quan tâm làm đường ven sông, ven biển.

Ông Nguyễn Công Vinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị các tỉnh tiếp tục đeo bám, kiến nghị ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng. 

Xây dựng kế hoạch và quy chế phối hợp triển khai đầu tư đường ven biển trong giai đoạn 2026-2030, để phục vụ phát triển các cảng biển lớn trong vùng. Triển khai đường ống dẫn dầu, khí từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi Long An, Đồng Nai… 

Trước ý kiến từ các địa phương, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng các địa phương nhìn nhận việc liên kết phát triển là rất cần thiết. 

Vấn đề quan trọng hiện nay là phải kết nối hạ tầng vùng, khẩn trương thực hiện các dự án chiến lược, đảm bảo tiến độ các dự án vành đai, đường cao tốc. 

Đối với Vành đai 3 phấn đấu thông xe kỹ thuật vào đầu năm 2026, hoàn thành toàn tuyến trong quý 2/2026. Dự án vành đai 4 phấn đấu trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm. 

Bên cạnh đó, TP.HCM rất ủng hộ và sẽ tích cực tham gia cùng các tỉnh thành để kéo dài hệ thống đường sắt đô thị (metro) qua Bình Dương, Đồng Nai, tận dụng nghị quyết 98 để đề xuất thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.

Cũng theo ông Mãi, vùng Đông Nam Bộ muốn phát triển phải có cơ chế, chính sách đột phá. 

TP.HCM và các địa phương cần tích cực phối hợp để trình Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ tại kỳ họp giữa năm. 

Sẽ đề xuất lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ- Ảnh 3.

TP.HCM đồng tình kéo dài tuyến metro về Bình Dương, Đồng Nai.

Cần "luồng xanh" cho các nhà đầu tư

Về một số ý kiến cần có "luồng xanh" để thu hút nhà đầu tư vào vùng Đồng Nam Bộ, ông Mãi cho rằng đây có thể xem là một chính sách đột phá, đặc thù cho vùng. 

Các địa phương cần phối hợp để xây dựng kế hoạch và quy chế phối hợp triển khai đầu tư đường ven biển trong giai đoạn 2026-2030, để phục vụ phát triển các cảng biển lớn trong vùng, triển khai đường ống dẫn dầu, khí từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi Long An, Đồng Nai… 

Sẽ đề xuất lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ- Ảnh 4.

Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.

Trước đó, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay TP.HCM và Đồng Nai đang triển khai nhiều tuyến đường, cầu kết nối. 

Trong đó, dự án mở rộng đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao thông An Phú đến đường Vành đai 2) đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư công, quy mô 8 làn xe.

Hiện chủ đầu tư đang lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. 

Dự kiến, ngày 17/1 sẽ hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng. Sau đó hoàn chỉnh hồ sơ trình phê duyệt dự án trong tháng 4/2025. Dự án này dự kiến đưa vào khai thác năm 2026.

Về cầu Cát Lát, TP.HCM đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm triển khai dự án. Hai địa phương cũng sẽ sớm trao đổi, thống nhất kế hoạch, quy chế phối hợp triển khai các cầu Phú Mỹ 2, cầu Long Thành 2 trong thời gian tới để tăng cường kết nối giao thông. Đặc biệt trong quy hoạch các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ là phát triển đường ven sông, ven biển.

Liên quan đến hai dự án vành đai kết nối vùng, hiện dự án Vành đai 3 TP.HCM đang gặp khó khăn về nguồn cát sông do việc cấp phép khai thác tại các mỏ chậm, còn nguồn thương mại trong nước, nguồn cát nhập khẩu chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, dự án Vành đai 4 TP.HCM có quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư lớn (giai đoạn 1 gần 123.000 tỷ đồng), cần có sự hỗ trợ của nguồn vốn Trung ương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.