Xã hội

Sẽ kiểm tra quản lý sử dụng "đất vàng" sau cổ phần hóa tại Hapro

27/03/2019, 18:41

Bộ TN-MT sẽ kiểm tra việc quản lý sử dụng đất vàng sau cổ phần hóa tại Hapro.

img
Bộ TN-MT sẽ kiểm tra việc quản lý sử dụng đất vàng sau cổ phần hóa tại Hapro

Bộ trưởng Bộ TN-MT vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019. Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh thanh tra Bộ TN-MT, cho biết: "Tổng cục Quản lý đất đai sẽ trực tiếp kiểm tra việc quản lý sử dụng đất sắp xếp lại cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp sử dụng tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn".

Việc quản lý sử dụng đất vàng sau cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua luôn được dư luận quan tâm và đặt yêu cầu cần công khai. Điển hình trong trường hợp của Hapro, một trong những doanh nghiệp Nhà nước có quỹ đất nhiều bậc nhất thủ đô. Trước cổ phần hóa, công ty quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất. Theo phương án phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro được giao nắm giữ 114 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh thành.
Loạt đất vàng mà Hapro nắm giữ sau cổ phần có thể kể đến như: số 19-21 Đinh Tiên Hoàng (280 m2), nhà số 1 Điện Biên Phủ (500 m2); nhà số 135 Lương Đình Của (1.843 m2); địa chỉ C12 Thanh Xuân Bắc (1.780 m2); D2 Giảng Võ (1.230 m2)…Doanh nghiệp còn sở hữu tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh (2.933 m2); phòng 15 tầng số 11B Cát Linh (2.933 m2); tòa nhà số 362 Phố Huế (7 tầng nổi, 1 tầng hầm có diện tích đất 618 m2); dự án trung tâm thương mại văn phòng số 5 Lê Duẩn (cao 9 tầng diện tích đất 1.624 m2); trung tâm kinh doanh chợ Thượng Đình (3.108 m2)...Ngoài ra, đơn vị này được tiếp tục sở hữu hàng loạt khu công nghiệp thực phẩm; trung tâm kinh doanh chợ đầu mối Bắc Thăng Long; dự án điểm đỗ xe; cụm nhà ở với diện tích đất lên đến hàng trăm nghìn m2... Tại các tỉnh thành khác, Hapro cũng sở hữu loạt khu đất có diện tích không hề nhỏ.

Năm 2018, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định phê duyệt cho Vinamco (một công ty con của Tập đoàn BRG) mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro và trở thành cổ đông chiến lược. Theo tính toán, Vinamco phải bỏ ra ít nhất 1.830 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần Hapro.

Theo ông Tuấn Anh, cũng trong năm 2019, Tổng cục Quản lý đất đai cũng sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế theo đề án "Tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến năm 2020" trên địa bàn 5 tỉnh, gồm: Hà Nam, Nghệ An, Bình Dương, Tây Ninh, Hải Dương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.