Xã hội

Sẽ làm rõ trách nhiệm chậm giải ngân vốn đầu tư công

11/04/2018, 06:36

Vướng mắc trong triển khai đầu tư công thời gian qua là khả năng cân đối ngân sách Nhà nước gặp khó khăn.

5

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Bộ KH&ĐT

Nhiều vướng mắc trong triển khai đầu tư công

Trước thực tiễn giải ngân vốn đầu tư công trung hạn gặp nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, ngày 10/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ KH&ĐT.

Theo Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2016 - 2020 khá cao, bằng 91,3% tổng mức kế hoạch 2 triệu tỷ đồng, ứng với hơn 1,642 triệu tỷ đồng (chưa bao gồm khoản dự phòng 10%). Số tiền này được giao chi tiết cho khoảng 9.600 dự án (chưa bao gồm các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ nhà ở người có công...).

Vướng mắc trong triển khai đầu tư công thời gian qua là khả năng cân đối ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Các địa phương chưa rà soát, cắt giảm, điều chỉnh, phân kỳ đầu tư hoặc bổ sung vốn khác đối với các dự án chưa được bố trí đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; cơ chế đối tác công - tư chưa hấp dẫn để thu hút tư nhân tham gia phát triển hạ tầng, dịch vụ công.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, một số bộ, địa phương chưa chấp hành nghiêm túc các quy định, nguyên tắc, tiêu chí và thứ tự ưu tiên trong phân bổ kế hoạch trung hạn nên quá nhiều dự án đưa vào danh mục, đồng thời chậm trễ trong tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục, gây khó cho tổng hợp kế hoạch, số vốn chưa được phân bổ hoặc đã có dự kiến phân bổ nhưng chưa giao được kế hoạch còn lớn.

Đánh giá 2 năm còn lại thực hiện kế hoạch, Bộ KH&ĐT cho rằng, khả năng không bảo đảm được mức vốn đã được Quốc hội thông qua. Với nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách T.Ư, tốc độ năm sau thấp hơn năm trước nên trong 2 năm tới kế hoạch trung hạn còn lại quá nhiều, tạo sức ép lớn tới cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hàng năm và tiến độ các dự án đã được giao. Trong khi đó, nguồn vốn cân đối của ngân sách địa phương thì ngược lại, năm sau tăng quá nhanh so với năm trước dẫn tới nguồn này không bảo đảm đủ cân đối cho kế hoạch hàng năm.

Qua 3 năm thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2018 - 2020, có sự chênh lệch lớn cả về cân đối nguồn vốn và cơ cấu vốn giữa dự kiến kế hoạch giải ngân và khả năng cân đối nguồn dự toán hàng năm để giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

Sẽ kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm

Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, Luật Đầu tư công có nhiều quy định rất chặt chẽ, nhờ đó đã siết chặt lại đầu tư công, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, manh mún, kém hiệu quả. Tuy nhiên, do có nhiều quy định quản lý chặt chẽ hơn và chưa có kinh nghiệm nên phát sinh một số vướng mắc, vẫn còn tình trạng chậm giao vốn đầu tư công. “Hai năm 2016 - 2017, Chính phủ đều có nghị quyết để đôn đốc quá trình này. Do vậy, năm 2016 đã giải ngân được 91,3% vốn đầu tư công; năm 2017 giải ngân đạt 85,6%. Năm 2018, tại Nghị quyết 01, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội là một thách thức”, Phó Thủ tướng nhận định.

Làm rõ hơn các vướng mắc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra ba vấn đề khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Đầu tiên là những vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công. Vướng mắc thứ hai, liên quan đến các nghị định triển khai Luật Đầu tư công vẫn còn một vài điểm rất khác nhau, do những vướng mắc về phạm vi sửa đổi, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa sửa luật và sửa nghị định nên mặc dù Chính phủ đã có ý kiến nhưng vẫn không thể ký ban hành. Vấn đề thứ ba là giải ngân vốn đầu tư công gặp khó ở ngay khâu tổ chức thực hiện, chậm trễ giữa các đơn vị trực thuộc Bộ và giữa Bộ KH&ĐT với các bộ, ngành, địa phương khác.

Vì thế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, ngay trong tháng 4, đích thân Phó Thủ tướng sẽ dẫn đầu đoàn đi kiểm tra một số bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, quyết liệt chỉ rõ nguyên nhân tồn tại, tại sao chậm, chậm ở đâu, ai chịu trách nhiệm; không thể để tình trạng nói chung chung.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.