Ngày 4/4, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2021 của Chính phủ (quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa). Trong đó, quy định đáng chú ý là điều chỉnh thẩm quyền và phạm vi quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy của Cảng vụ đường thủy Trung ương và cảng vụ địa phương.
Cảng thủy trên tuyến đường thủy quốc gia sông Kinh Thầy, Hải Dương
Cụ thể, Cảng vụ đường thủy thuộc Sở GTVT thực hiện quản lý nhà nước tại các cảng, bến thủy (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu trong vùng nước cảng biển thuộc địa giới hành chính của địa phương và trên tuyến đường thủy quốc gia được Bộ GTVT phân cấp quản lý.
Ngược lại, dự thảo cũng quy định trường hợp UBND cấp tỉnh đề nghị và được Bộ GTVT chấp thuận, Cảng vụ thuộc Cục Đường thủy nội địa VN quản lý cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy địa phương.
Một trong lý do đề xuất bổ sung quy định trên, theo Cục Đường thủy nội địa VN, hiện có 4 Cảng vụ đường thủy Trung ương quản lý hơn 300 cảng và hơn 3.000 bến trên đường thủy quốc gia ở phía Bắc và Nam. Một số tuyến quốc gia thuộc địa giới tỉnh Quảng Ninh, TP.HCM và một số tỉnh miền Trung được Bộ GTVT ủy quyền cho địa phương quản lý nhà nước về hạ tầng và cảng, bến thủy.
Tuy nhiên, phương án ủy quyền chưa phát huy hiệu quả tối ưu do chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật về tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, ngân sách.
“Quy định mới giúp phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương, huy động nguồn lực của các địa phương, đa dạng hóa phương thức quản lý chuyên ngành tại cảng, bến thủy. Tuy vậy, trường hợp địa phương được phân cấp chưa có bộ máy quản lý chuyên ngành, có thể làm phát sinh thêm cơ quan quản lý.
Khi phân cấp cho địa phương cũng phần nào gây xáo trộn công tác quản lý cảng, bến hiện nay và ảnh hưởng trực tiếp đến 4 Cảng vụ đường thủy nội địa Trung ương. Trường hợp phân cấp quản lý cho địa phương sẽ chuyển giao bộ máy, nhân sự các cảng vụ Trung ương về địa phương”, Cục Đường thủy nội địa VN đánh giá tác động của quy định mới.
Giảm thành phần hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận cơ sở đào tạo thuyền viên
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2016 của Chính phủ (quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa), thành phần hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận cơ sở đào tạo thuyền viên đủ điều kiện hoạt động giảm bớt chỉ còn 3 loại: tờ khai theo mẫu, bản sao bằng cấp và hợp đồng của giáo viên, bản sao các giấy tờ chứng minh sự hợp pháp của cơ sở vật chất (xưởng thực hành, cảng, bến, phương tiện thủy).
So với hiện nay, quy định mới bỏ yêu cầu nộp bản sao có chứng thực quyết định thành lập hoặc chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư. Cơ quan cấp phép sẽ tra cứu giấy tờ này trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia dịch vụ đào tạo thuyền viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận