Người uống rượu có thể bị nhiễm độc rượu, rơi vàotrạng thái hôn mê. Ảnh: Ngô Vinh |
Trả lời Báo Giao thông, ông Bùi Trường Thắng, Vụ phó Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho biết, rượu là ngành kinh doanh có điều kiện, năm 2012, Bộ Công thương đã xây dựng Nghị định 94 về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và hai Thông tư 39/2012 và 60/2014 để hướng dẫn. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn nhiều tồn tại và chưa phù hợp với thực tế.
Quản lý kinh doanh rượu chưa phù hợp với thực tế
Mặc dù Nghị định 94 ra đời từ năm 2012, kèm theo đó là các thông tư hướng dẫn, nhưng dường như kết quả đạt được chưa cao, nhất là trong việc quản lý bán lẻ rượu, thưa ông?
Qua bốn năm thực hiện, quản lý kinh doanh rượu cũng có bước chuyển biến tích cực. Điều này cũng thể hiện rõ qua thực tế, khi số lượng ca ngộ độc vì rượu đã giảm đi; Việc bán rượu không nhãn mác cũng giảm nhiều. Rượu công nghiệp trong tỷ trọng rượu sản xuất trong nước tăng lên.
Trước năm 2012, sản lượng rượu thủ công do dân nấu ước khoảng 400 triệu lít/năm, đến thời điểm hiện nay con số này giảm đáng kể chỉ ước chừng 260 triệu lít, còn tỷ trọng rượu công nghiệp trước là khoảng 15%, nay lên xấp xỉ 40%. Người tiêu dùng từ uống rượu “nút lá chuối” đã chuyển sang uống rượu sản xuất công nghiệp và uống bia nhiều hơn. Tuy nhiên, công tác quản lý kinh doanh rượu vẫn còn những tồn tại, chưa phù hợp với thực tế.
Nghị định 94 đã quy định các cơ sở bán lẻ rượu phải được cấp giấy phép hay cấm bán rượu cho đối tượng dưới 18 tuổi… nhưng thực tế việc bán lẻ vẫn tràn lan, không được kiểm soát. Vậy theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?
Là bộ phận làm về chính sách, chúng tôi cố gắng xây dựng chính sách phù hợp hơn với thực tế và đưa chính sách đi vào cuộc sống, tuy nhiên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị. Ở nước ngoài, việc quản lý rượu, thuốc lá dựa trên cơ sở là quản lý đến từng cửa hàng bán lẻ với những quy định cụ thể về cấp giấy phép, giờ bán, đối tượng mua… Tuy nhiên, ở Việt Nam đặt ra bài toán đó khó đi vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, khó quản lý, kiểm soát đối với bán lẻ.
Nghị định 94 cũng phân cấp quản lý, do vậy những đơn vị được phân cấp phải có trách nhiệm thực hiện việc kiểm soát, giám sát, bên cạnh đó các bộ phận liên quan cũng phải thực hiện như quản lý thị trường, chính quyền địa phương... Tuy nhiên, theo tôi quan trọng nhất vẫn là ý thức tuân thủ pháp luật của người bán và người sử dụng.
Chưa có con số xử lý vi phạm cụ thể
Ông Bùi Trường Thắng |
Đã có chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh rượu, trong đó có bán lẻ, như việc xử phạt khi bán cho người dưới 18 tuổi, hay bán lẻ phải có giấy phép… Thời gian qua, việc xử lý được thực hiện đến đâu, thưa ông?
Chế tài xử lý các vi phạm đã được quy định trong Nghị định 185/2013, tuy nhiên chưa đủ sức răn đe. Hiện tại, chúng tôi cũng chưa có con số cụ thể về việc xử lý VPHC trong lĩnh vực bán lẻ rượu... Tuy nhiên, trong chính sách chúng tôi kiểm soát qua việc cấp giấy phép, khi đã được cấp phép kinh doanh, họ phải chấp hành đúng quy định pháp luật như: Không bán cho người dưới 18 tuổi, Không bán trong trường học, bệnh viện, cơ quan quản lý nhà nước, phải đảm bảo điều kiện ATTP, PCCC…
Thời gian tới, đối với bán lẻ, chúng tôi tiếp tục tăng cường quản lý cấp phép bán lẻ, đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Tới đây, cơ quan quản lý cần đề xuất thay đổi những gì để tăng cường công tác quản lý kinh doanh rượu, thưa ông?
Để tăng cường quản lý rượu liên quan đến việc phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia, hiện Bộ Công thương đang xây dựng nghị định thay thế Nghị định 94. Bộ Công thương đang lấy ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và cả các tổ chức quốc tế. Một số điểm mới trong dự thảo nghị định gồm: Sửa đổi quy định về nguyên tắc hạn chế số lượng phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu theo số dân; Quy định chặt chẽ điều kiện cấp giấy phép với hoạt động bán rượu tại chỗ; Bổ sung quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, phân phối, bán buôn, bán lẻ và bán rượu tiêu dùng tại chỗ… để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam và phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Cảm ơn ông!
Uống rượu gây tác hại thế nào? BS. La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần T.Ư 1 cho biết, việc uống rượu gây hại đối với cơ thể tùy từng mức độ. Nếu ở mức độ nhẹ, say rượu có thể gây rối loạn chú ý, phản xạ chậm, dễ bị kích động và thường xuất hiện rối loạn vận động và ngôn ngữ. Ở mức nặng hơn, bệnh nhân hay đãng trí, tri giác thiếu chính xác và có tri giác sai thực tại, hoạt động trí tuệ chậm và rối loạn phối hợp vận động làm cho bệnh nhân đi loạng choạng. Thậm chí còn gây nên nhiễm độc rượu nặng, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái bán hôn mê và hôn mê kèm theo những rối loạn cơ thể nặng. V.A |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận