Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì hội nghị tổng kết thí điểm 2 năm ứng dụng Grab, Uber |
Còn nhiều bất cập
Tại Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng chiều qua (19/12), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, thời gian tới cần nghiên cứu đưa điều kiện kinh doanh của Uber, Grab “gần” hơn với taxi truyền thống.
Báo cáo kết quả sau 2 năm thí điểm, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, hiện tại có 4/5 địa phương chính thức tham gia thí điểm gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh (Đà Nẵng chưa triển khai); có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử. Tổng số hiện có trên 800 đơn vị vận tải với trên 36.000 phương tiện tham gia thí điểm.
Việc triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đảm bảo quản lý được các phương tiện để tham gia kinh doanh vận tải đúng quy định. Việc thí điểm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại như: Lựa chọn phương tiện, biết được thông tin của lái xe (tên, số điện thoại), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện, giám sát đánh giá thái độ phục vụ khách hàng của đơn vị với lái xe.
"Sau 2 năm thí điểm, chúng ta đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải, các doanh nghiệp taxi truyền thống mạnh dạn ứng dụng công để đổi mới kinh doanh. Bộ GTVT cũng chủ động, phối hợp với các đơn vị tìm hiểu cơ chế quản lý. Hiện, vẫn còn nhiều tồn tại cần hoàn thiện để quản lý, nhưng cũng phải tạo môi trường bình đẳng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện để các thành phần hoạt động tốt trong lĩnh vực này”. Thứ trưởng Bộ GTVT |
Khẳng định đây là mô hình mang lại nhiều lợi ích cho người dân, xã hội nhưng ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, kinh doanh vận tải taxi là có điều kiện, hoạt động của xe hợp đồng dưới 9 chỗ, tiêu biểu là Uber, Grab bản chất lại hoạt động như taxi. Nhiều người mua mới và xe taxi truyền thống chuyển sang chạy Uber, Grab làm cho số lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng, phá vỡ quy hoạch xe taxi.
“Cần nhận diện được xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng công nghệ, bản chất của nó phải như taxi. Chúng ta cần nhận diện đúng bản chất để quản lý chứ không cấm”, ông Viện kiến nghị.
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng, Uber, Grab cũng gần giống taxi, mặc dù họ chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm, nhưng lại quyết định giá cước mà không qua các HTX, trong khi vai trò của HTX còn hạn chế. Theo ông Lâm, hiện thành phố đang thực hiện quy hoạch nhưng vẫn còn lúng túng do chưa làm rõ được loại hình này là taxi hay tương tự taxi.
Trả lời câu hỏi tại sao không công khai, niêm yết giá cước đối với cơ quan quản lý nhà nước, ông Tom White, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam cho biết: “Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với tất cả các Sở GTVT và cố gắng tuân thủ các quy định theo Quyết định 24 của Bộ GTVT. Giá cước linh hoạt, khi người sử dụng đón xe họ đã biết được giá cước phải trả cho hành trình, điều này có nghĩa giá cước đã công khai đối với người sử dụng. Chúng tôi đảm bảo tất cả thông số đều được minh bạch cho tất cả các bên”.
Điều kiện kinh doanh Uber, Grab phải tương tự taxi
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá, sau 2 năm thí điểm đã thu được nhiều kết quả, nhưng còn nhiều bất cập cả với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ khi thị trường kinh doanh chưa bình đẳng, bất cập trong quản lý.
Khẳng định kinh doanh vận tải là có điều kiện, liên quan đến tài sản và tính mạng con người, Thứ trưởng Thọ cho rằng: “Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ theo hướng tạo môi trường kinh doanh vận tải có điều kiện và các đơn vị tham gia phải tuân thủ các điều kiện này. Con tàu chỉ đi trên đường ray, nếu đi “trật” phải tuýt còi ngay. Thời gian tới, sẽ có những quy định ngặt nghèo, cụ thể hơn”.
Cho biết, những điều kiện kinh doanh giữa 5 loại hình vận tải hiện nay phân định chưa rõ ràng, rành mạch, chưa phù hợp, doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để “lách”, tạo nên sự lộn xộn trong thị trường kinh doanh vận tải, Thứ trưởng Thọ khẳng định: “Thời gian tới, khi đã có những quy định rõ ràng, doanh nghiệp đủ điều kiện mới được tham gia kinh doanh”.
Kinh doanh phải theo quy định của pháp luật, cụ thể là Luật GTĐB, nhiều mô hình, ý tưởng hay nhưng chưa vận dụng được vào thực tế vì luật chưa cho phép và phải thí điểm. Để tạo hành lang pháp lý cho thị trường kinh doanh vận tải đường bộ phải sửa Luật GTĐB, trong đó ứng dụng công nghệ trong GTVT là vấn đề cần đặt ra.
“Những gì thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT đưa được vào luật để tăng cường quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động giữa taxi truyền thống và taxi ứng dụng công nghệ mới, Bộ GTVT sẽ đưa vào. Nghị định thay thế Nghị định 86 trong tháng 12 này Bộ GTVT trình Chính phủ sẽ có riêng một chương đề cập đến tất cả các vấn đề bất cập hiện nay. Tuy chưa phải tuyệt đối, nhưng sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để xây dựng Luật GTĐB phù hợp với xu thế phát triển”, Thứ trưởng Thọ nói.
“Hướng sửa Nghị định 86, điều kiện kinh doanh giữa xe hợp đồng và xe taxi phải “gần” nhau, trong đó mạnh dạn tính phương án đưa điều kiện kinh doanh xe hợp đồng và xe taxi ngang nhau sẽ giúp công tác quản lý chặt chẽ hơn, tạo sự công bằng trong kinh doanh vận tải. Nghị định cũng cần phân biệt rõ chủ thể kinh doanh vận tải và chủ thể cung cấp công nghệ”, Thứ trưởng nêu vấn đề.
Cũng theo Thứ trưởng Thọ, thời gian tới phải thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đối với Uber, Grab; cần thiết yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Kinh doanh tại Việt Nam phải tôn trọng pháp luật, có trách nhiệm với Việt Nam, tham gia kinh doanh vận tải phải theo quy định. Các địa phương cần báo cáo cụ thể, có kiến nghị, đề xuất về số lượng xe nên tăng nữa không, hay tạm dừng chờ Nghị định 86 mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận