Hồ sơ tài liệu

Sẽ thiệt hại gì nếu TQ cố tình cản trở hàng hải Biển Đông?

18/07/2016, 13:05

Trung Quốc đã rất “vất vả” để tuyên truyền về Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, theo NI 16/7.

philippine

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc cố tình cản trở các tuyến hàng hải huyết mạch trên Biển Đông?

Theo NI, Trung Quốc đã cho phát các video, các bài xã luận và nhiều hình thức tuyên truyền khác – nhằm cố tình đi ngược lại phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông, mà Bắc Kinh cho là “vô giá trị”. Song điều khiến giới quan sát lo ngại, rất có thể Bắc Kinh sẽ “đi một bước xa hơn” cái gọi là “đường lưỡi bò” mà họ từng tuyên bố.

Sự mơ hồ của đường lưỡi bò mà Bắc Kinh đưa ra nằm ở chỗ, nó bao trùm tới 90% Biển Đông. 

Ước tính có khoảng 5.000 tỷ USD giá trị hàng hóa vận chuyển thông thương qua các tuyến hàng hải ở khu vực này mỗi năm. Đơn cử như số tiền thu được từ dầu lửa vận chuyển qua eo biển Malacca từ Ấn Độ Dương sang Đông Nam Á (qua Biển Đông), gấp 3 lần giá trị dầu lửa vận chuyển qua kênh đào Suez và gấp 15 lần qua kênh Panama.

Theo Robert D.Kaplan – nhà phân tích địa chính trị chính của công ty nghiên cứu tình báo Mỹ Stratfor: khoảng 70% nguồn cung cấp năng lượng của Hàn Quốc, gần 60% nguồn cung năng lượng của Nhật Bản và 80% lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đi qua vùng Biển Đông. Các nhà phân tích ước tính, nếu Trung Quốc cố tình cản trở các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đông - giữa Australia và các đối tác thương mại khác của họ, có thể gây ra thiệt hại về định tuyến thương mại tốn kém tới 20 tỷ USD hàng hóa/năm.

Chưa kể, thiệt hại ước tính khác cũng sẽ… vô cùng “tai hại” đối với khu vực. Indonesia sẽ thiệt hại tới 3% GDP, Malaysia, Philippines hay Thái Lan sẽ thiệt hại tới gần 2% GDP về đánh bắt cá ở Biển Đông, nếu bị Trung Quốc cản trở ở vùng biển này.

Trước đó, ông Kaplan từng ví Biển Đông đối với Trung Quốc cũng giống như Caribbean mở rộng (Greater Caribbean) đối với Mỹ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mỹ đã trở thành một siêu cường có sức mạnh địa chính trị rất lớn nhờ thống trị được vùng biển Caribbean. Một khi họ có thể làm được điều đó, họ có thể thống trị cả Tây Bán cầu, và thống trị được Tây Bán cầu là họ có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực ở Đông bán cầu. Những điều đó đã được thể hiện qua các cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh Lạnh.

“Nếu Trung Quốc giành được sự thống trị ở vùng biển này, họ có thể vươn ra ngoài Thái Bình Dương rộng lớn hơn, qua eo biển Malacca và nhập vào Ấn Độ Dương – huyết mạch giao thương năng lượng toàn cầu, nơi dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Trung Quốc đi qua để đến các khu vực của châu Á. Vì vậy, Biển Đông là một công cụ thực sự lớn. Ngoài ra, nếu Trung Quốc có thể thống trị Biển Đông, sẽ  ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực ở châu Á”, Kaplan nói.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Malcolm Cook thuộc Viện nghiên cứu Yusof Ishak (trước đây là Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) ở Singapore, Trung Quốc sẽ “không đủ sức” để bá chủ khu vực, song việc “độc chiếm Biển Đông” của Bắc Kinh (nếu xảy ra) sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng hàng hóa tới các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Đồng thời, chính việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của bản thân nền kinh tế Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.