TEDI có đủ năng lực tham gia các dự án ODA khi đáp ứng yêu cầu về cơ cấu vốn sở hữu của các tổ chức quốc tế |
Dù là Tổng Công ty tư vấn thiết kế lớn nhất và nhiều kinh nghiệm nhất của cả nước về xây dựng công trình giao thông và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, vốn Nhà nước không chi phối, song TEDI vẫn đang gặp khó khi áp dụng Luật Đấu thầu mới và các quy định của các nhà tài trợ quốc tế.
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI, thoái toàn bộ 49% vốn nhà nước còn lại mới giúp TEDI có đủ điều kiện tham gia đấu thầu các dự án ODA, mở rộng thị trường tư vấn. Suốt thời gian qua, TEDI vẫn phải đứng ngoài các cuộc đấu thầu các dự án có vốn nước ngoài, khiến thị phần của TEDI bị hạn chế rất lớn.
Ngoài ra, theo Luật Đấu thầu mới và Nghị định số 63 sắp có hiệu lực, TEDI cũng không được tham gia đấu thầu các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, bởi quy định bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30%.
TEDI mới đây đã đề xuất Bộ GTVT được áp dụng chính sách đặc thù: Toàn bộ 49% số cổ phần do nhà nước nắm giữ hiện nay sẽ được chuyển nhượng cho cổ đông hiện hữu là người lao động tại doanh nghiệp bằng giá bán cho cổ đông chiến lược.
Ông Phạm Hữu Sơn cho biết, với một doanh nghiệp tư vấn, con người chính là tài sản lớn nhất. Bán cổ phần cho chính người lao động, cho nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp là để giữ được người, giữ nghề, giữ được doanh nghiệp. Bản thân những người lao động cũng là đối tượng có đóng góp, tích lũy cho TEDI nhiều chục năm nay, được chuyển nhượng cổ phần bằng giá bán cho nhà đầu tư chiến lược là hợp lý.
Theo ông Sơn, cơ chế đặc thù này đã được Bộ GTVT chấp thuận về chủ trương. TEDI đang xây dựng phương án cụ thể, thông qua được đa số người lao động và báo cáo Bộ GTVT xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phương Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận