Xã hội

Sẽ trình Bộ Chính trị ban hành quy định kiểm soát quyền lực của thanh tra

05/11/2022, 15:18

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, sẽ trình Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra.

Trình quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, nhưng thời gian qua vẫn còn nhiều cán bộ thanh tra mắc sai phạm".

"Cần có bộ quy tắc quy định về liêm chính để cán bộ thanh tra tuân thủ và tự bảo vệ mình. Thanh tra Chính phủ đã có những văn bản tương tự như vậy chưa, và nếu chưa có thì có định xây dựng trong tương lai hay không?", ông Huân chất vấn.

img

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)

Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, xây dựng lực lượng thanh tra liêm chính là nhiệm vụ quan trọng.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành các văn bản về việc này, yêu cầu cán bộ thanh tra phải tuân thủ quy định pháp luật, quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức, liêm chính, chí công vô tư. Quy định từ khâu thanh tra đến khâu thẩm định cũng rất chặt chẽ, để không có vi phạm về đạo đức công vụ.

"Sắp tới Thanh tra Chính phủ và các cơ quan sẽ trình Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài", ông Phong nói.

Có tiêu cực không khi đoàn thanh tra "giơ cao đánh khẽ"?

Đặt câu hỏi cho Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tại phiên chất vấn hôm nay (5/11), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua, không ít đoàn thanh tra đã không phát hiện hoặc cố tình không phát hiện vi phạm. Sau đó có tố cáo, đoàn thanh tra thứ hai tái thanh tra thì lại phát hiện vi phạm.

"Dư luận nghi ngờ là có tiêu cực của đoàn thanh tra trước "giơ cao, đánh khẽ", có những vụ tiêu cực do báo chí phát hiện mà thanh tra không phát hiện, nhiều vụ lực lượng công an phát hiện, truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa có hoặc thanh tra kết luận không đến nơi đến chốn", ông Hòa nêu.

img

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Trả lời nội dung này, ông Đoàn Hồng Phong thừa nhận một số đoàn thanh tra có một số kết luận chưa đúng bản chất, còn thiếu sót, có vi phạm.

Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do ý thức chấp hành kỷ luật chưa cao, phát hiện thiếu sót vi phạm chưa đạt mong muốn; Do năng lực, trình độ của một số cán bộ, đặc biệt là thanh tra huyện.

Ngoài ra, còn do cơ chế chính sách còn bất cập, phân định đúng sai còn khó khăn, cùng một vấn đề có cách hiểu khác nhau; Do giám sát và thẩm định dự thảo kết luận thanh tra còn bất cập, hạn chế.

img

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Ông Phong minh chứng bằng kết quả cuộc thanh tra do Ban chỉ đạo Trung ương và Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ làm về thanh tra diện rộng Covid-19.

Theo đó, tổng hợp toàn quốc, trừ vụ việc Công ty Việt Á do Bộ Công an chỉ đạo làm, Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra 3 cuộc ở Bộ Y tế, Hà Nội và TP.HCM nhưng chuyển rất nhiều vụ sang công an điều tra. Còn phần lớn do 19 Bộ và 61 địa phương thanh tra thì chỉ có 2-3 cuộc chuyển hồ sơ cho công an điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong thực thi công vụ để tránh tiêu cực

Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) thì nêu thực tế, thời gian qua có nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai dẫn đến thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư/của người dân.

Số lượng các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm tỷ trọng đến 70%; và một số cán bộ quản lý đất đai bị xem xét xét xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.

"Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và giải pháp để khắc phục tình trạng này là gì?", ông Nam nêu câu hỏi.

img

Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang)

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Hồng Phong xác nhận thực trạng đúng như đại biểu phản ánh, vẫn còn có những vụ việc tiêu cực xảy ra, nhất là xoay quanh lĩnh vực đất đai, như đầu tư xây dựng có sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thủ tục hải quan, cấp phép khai thác khoáng sản.

Giải pháp cho vấn đề này là thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện xử lý nghiêm cán bộ nếu có sai phạm.

Về vấn đề nhiều khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, sẽ nghiên cứu, rà soát bất cập trong quy định để sửa đổi, chấn chỉnh công tác quy hoạch; hoàn thiện hệ thống quản lý, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong quản lý đất đai để xử lý nghiêm các vi phạm...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.