Xã hội

Sẽ xem xét bổ sung dự án Luật Đường bộ vào chương trình xây dựng luật

12/04/2023, 11:33

Phiên họp chuyên đề pháp luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét bổ sung dự án Luật Đường bộ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Sáng 12/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết lý do tại sao chương trình phiên họp diễn ra trong 2,5 ngày, trống 0,5 ngày làm việc.

Đây là do dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dù dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dù đã đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn xảy ra tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu dự án luật.

Trong thời gian 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật trong chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), thị trường bất động sản là một trong những thị trường cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngành nghề kinh doanh bất động sản cũng là một trong những yếu tố đảm bảo cho tăng trưởng của nền kinh tế và liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau.

Luật này đã thực hiện được 8 năm, đến nay vẫn còn có một số vướng mắc và bất cập. Do đó, lần này Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh; nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề tính thống nhất của hệ thống pháp luật bởi dự án luật này liên quan đến nhiều luật khác.

img

Sáng nay (12/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giai đoạn này sửa là cần thiết nhưng đòi hỏi sâu sát để đáp ứng yêu cầu, tránh sửa xong nhưng không giải quyết được vướng mắc hay lại tạo ra những vướng mắc khác.

Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), tại phiên họp thường kỳ thứ 21 (tháng 3/2023), Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Đây là dự án luật rất quan trọng liên quan đến đông đảo nhân dân và cử tri, nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích rõ thêm tính hợp lý, khả thi, sự phù hợp của quy định trong dự thảo luật với đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới được đề xuất đối với việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cũng tại phiên họp chuyên đề pháp luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án Luật Đường bộ.

Ngoài các nội dung trên, tại phiên họp này, theo chương trình dự kiến ban đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ đề xuất một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam dự kiến để đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 5.

Mặt khác, vừa qua Chính phủ lại có tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung dự án Luật Xuất nhập cảnh và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Do đó, cần cân nhắc kỹ lại chỉ nên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội một dự án bởi 2 nội dung này giống nhau. Nếu trình sửa luật thì không cần trình nội dung để đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.