Trường bắn Nhổn đã lạc hậu, sử dụng bia giấy buộc phải nâng cấp, dùng bia điện tử để phục vụ SEA Games 31
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số đầu việc chuẩn bị cho SEA Games 31 chưa thể triển khai. Điều này khiến dư luận lo ngại kỳ Đại hội do Việt Nam đăng cai có thể bị chậm tiến độ.
Không chờ có ngân sách mới làm
Tới thời điểm này, việc Chính phủ chưa phê duyệt ngân sách tổ chức SEA Games 31 và Paragames 2021 khiến một số đầu việc bị đình trệ.
Tiêu biểu, hai cụm công trình sửa chữa, nâng cấp bằng nguồn ngân sách gồm: Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Quốc gia (Nhổn) hiện đang “nằm yên”. Trong đó, SVĐ Mỹ Đình và Cung Thể thao dưới nước thuộc Khu Liên hợp thể thao Quốc gia, Trường bắn súng, bắn đĩa bay thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội là những hạng mục mang tính trọng điểm, cần cải tạo nhiều nên cần quỹ thời gian tương đối.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT tỏ ra tự tin về việc đưa các công trình về đích trước thềm SEA Games 31.
“Tuy chưa triển khai nhưng hiện tại đề án sửa chữa, nâng cấp ngành Thể thao đã xây dựng xong, đang chờ Bộ Xây dựng thẩm định. Khi được phê duyệt ngân sách thì việc cải tạo, nâng cấp chỉ trong 3 tháng sẽ hoàn thành để kịp tổ chức giải tiền SEA Games. Hiện tại, một số đầu việc khác chúng tôi đã chủ động tiến hành trong điều kiện chưa có ngân sách”, ông Phấn nói.
Ông Phấn cũng cho hay, ngoài cơ sở vật chất, công tác tổ chức không đáng lo ngại bởi Việt Nam từng đăng cai nhiều giải đấu thể thao tầm quốc tế, đã có kinh nghiệm nên việc triển khai sẽ không gặp vấn đề.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, điểm tích cực là nhiều địa phương rất chủ động trong công tác chuẩn bị. Ví dụ như cụm sân quần vợt ở Bắc Ninh đang đi vào hoàn thiện và dự kiến cuối tháng 5 sẽ hoàn tất. Ngoài ra, Bắc Ninh đang dần hoàn thiện nhà tập luyện môn bóng chuyền đủ tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế.
Trong khi đó, theo Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh, Hà Nội hiện có 8 công trình xây dựng, sửa chữa phục vụ SEA Games 31 do Sở VH-TT Hà Nội quản lý và 12 công trình thể thao do các quận, huyện quản lý đã đưa vào triển khai nâng cấp và chậm nhất sẽ hoàn thành trước ngày 30/8.
Chuyên gia Đặng Việt Cường nhìn nhận, sự tự tin của ngành Thể thao là hoàn toàn có cơ sở bởi các công trình phục vụ SEA Games 31 đều có sẵn, không phải xây mới, chỉ nâng cấp.
Khó trăm bề nhưng vẫn tự tin
Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là yếu tố chuyên môn của đoàn thể thao Việt Nam liệu có được đảm bảo khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch của các bộ môn.
Theo bà Nguyễn Thị Nhung, HLV trưởng đội tuyển bắn súng, dù dịch bệnh nhưng đội tuyển vẫn tập luyện bình thường. Hạn chế là các vận động viên không được tập huấn, thi đấu cọ xát ở nước ngoài nên khó đạt trạng thái tốt nhất.
“Cái khó của bắn súng là năm nay chúng tôi bổ sung nhiều vận động viên trẻ làm nòng cốt. Vẫn biết các đội bạn cũng gặp khó khăn như ta nhưng cơ bản vận động viên của họ vẫn là lứa cũ, dày dạn kinh nghiệm”, bà Nhung phân tích.
Hầu hết các bộ môn khác cũng cùng chung lo lắng như bắn súng. Ông Nguyễn Huy Hùng, Trưởng bộ môn cử tạ cho biết, dù đội tuyển vẫn tập huấn trong nước suốt thời gian qua nhưng việc không được tập huấn nước ngoài ít nhiều ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh. Ông Hùng cho biết thêm, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, tới khoảng tháng 9, bộ môn sẽ có kế hoạch xin cho vận động viên ra nước ngoài rèn luyện nhằm nâng cao thành tích trước thềm SEA Games.
Trong khi đó, ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh cũng ngao ngán bởi không chỉ việc tập huấn nước ngoài bị đóng băng mà ngay cả các giải thi đấu trong nước cũng rơi vào tình cảnh bập bõm.
“Sắp tới, có giải việt dã ở Gia Lai nhưng giải này chỉ dành cho vận động viên marathon và cự ly dài trong khi vận động viên của mình đa phần ở cự ly ngắn và trung bình. Giữa bối cảnh như vậy, điền kinh Việt Nam càng lo lắng bởi các quốc gia khác rất tích cực nhập tịch hoặc vận động viên vẫn thi đấu ở nước ngoài được do tập huấn dài hạn từ trước. Philippines mới có một vận động viên vô địch nhảy cao ở châu Âu, trước đó một vận động viên gốc Mỹ của họ cũng phá kỷ lục tồn tại 20 năm ở SEA Games cự ly 100m. Rõ ràng khó khăn cho chúng ta là rất lớn”, ông Thủy thông tin.
Dù khó khăn là điều nhìn thấy nhưng các bộ môn đều tin tưởng vận động viên Việt Nam sẽ vươn lên, giành thành tích tốt. Về phía ngành Thể thao, ông Trần Đức Phấn chia sẻ, ngay tháng 3, ngành sẽ đề xuất một số vận động viên trọng điểm được tiêm vaccine phòng Covid-19 để ra nước ngoài thi đấu.
“Xa hơn, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch một cách linh động với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho vận động viên được rèn luyện, cọ xát trước khi bước vào SEA Games”, ông Phấn nói.
SEA Games 31 dự kiến diễn ra từ ngày 21/11 tới 2/12/2021, gồm 40 môn thi đấu như: Điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, rowing, canoeing/kayak, bóng đá, bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karate, wushu, vật, boxing, kickboxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, pencak silat, muay, thể hình, lặn, khiêu vũ thể thao…
4 môn bổ sung sẽ được công bố vào tháng 11 năm nay dựa trên danh sách đề xuất 21 môn mà các quốc gia đưa ra như: Jiujitsu, bowling, bơi nghệ thuật, võ gậy, ba môn phối hợp, đua thuyền buồm, bóng bầu dục…
Về địa điểm, SEA Games 31 sẽ tổ chức tại TP Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Giang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận