Sáng 18/1, Hội nghị trưởng đoàn SEA Games 31 lần thứ nhất và thông báo các công việc quan trọng tại đại hội đã được diễn ra tại Hà Nội.
U23 Việt Nam đặt mục tiêu bảo vệ thành công HCV bóng đá nam SEA Games
Theo thông báo tại hội nghị, 3 sân bay tiếp đón các thể thao quốc tế gồm Nội Bài (Hà Nội), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Bi (Hải Phòng).
Lễ khai mạc SEA Games 31 bắt đầu từ 19h00 đến 21h00 ngày 12/5 và lễ bế mạc sẽ diễn ra từ 19h00 đến 21h00 ngày 23/5 tại sân vận động Mỹ Đình.
Tiểu ban Doping và Y tế cũng đã trình bày kế hoạch phòng chống doping cũng như Covid-19 tại ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á 2022.
Trong đó, công tác phòng chống dịch sẽ kết hợp với nhiều biện pháp như khai báo trực tuyến, thực hiện quy trình bóng bóng, xét nghiệm Covid-19 sau mỗi 72 tiếng cùng các biện pháp ứng phó khi có các trường hợp F0.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, mọi thành viên dự SEA Games 31 đều phải được tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 và thường xuyên được test PCR.
Bà Yến cũng khẳng định, sẽ không có chuyện hủy đại hội, hủy thi đấu ở các môn nếu phát hiện trường hợp VĐV hay có thành viên dương tính với Covid-19. Mọi trường hợp F0 sẽ được đưa đi cách ly theo quy định.
Ban tổ chức quyết định sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để đón khán giả theo 3 mức độ: Không khán giả, hạn chế (10-30%) và cho phép tối đa 50% sức chứa của các địa điểm thi đấu.
“Nếu Hà Nội và 11 địa phương lân cận kiểm soát được dịch bệnh sẽ cho đón khán giả trở lại. Tuy nhiên, nếu tình hình khó khăn thì sẽ không đón khán giả, còn lại sẽ hạn chế”, bà Yến nói.
Bên cạnh đó, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cũng thừa nhận, Ban tổ chức và các tiểu ban đang gặp khó trong vấn đề kinh phí.
Được biết, Quốc hội đã thông qua kinh phí 750 tỉ đồng cho công tác tổ chức và hiện tại, số tiền được tạm ứng ban đầu là gần 300 tỉ đồng.
Ngoài số tiền nêu trên, kinh phí để nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31 vào khoảng 500 tỉ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận