Showbiz

Shark Liên, Shark Phú tranh hùng, Xuân Trường gọi vốn thành công 7 tỉ đồng

10/07/2022, 21:18

Shark Tank Việt Nam mùa 5 - Tập 6: Shark Đỗ Liên đòi "đấu" với Shark Phú vì Trường "híp", khi thấy Shark Phú rút Golden Ticket 200 triệu đồng.

Shark Tank Việt Nam mùa 5 - Tập 6: Tiền vệ Lương Xuân Trường gọi vốn là Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế IRC với Nguyễn Việt Hùng đồng sáng lập và điều hành của trung tâm.

img

Tiền vệ Lương Xuân Trường và Nguyễn Việt Hùng đồng sáng lập và điều hành của trung tâm IRC

Shark Liên và Shark Phú liên tục tung Golden Ticket

Ngay từ phút đầu, Shark Liên rút Golden Ticket (vé vàng) trị giá 100 triệu để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Bởi lý do chồng chị từng chấn thương xương khớp và phải điều trị tại Đức. Sẵn có lòng mến mộ Xuân Trường, lại yêu thương ông xã, Shark Liên lên tiếng "Chị thích rồi chị sẽ không hỏi".

Thậm chí, khi Shark Linh liên tục đưa ra các câu hỏi đi sâu vào chuyên môn của ngành y với Xuân Trường, thì Shark Liên đã phản pháo ý kiến của Shark Linh.

Bất ngờ, Shark Phú cũng lấy ra Golden Ticket trị giá 200 triệu để đàm phán với Xuân Trường. Shark Liên đã nói ngay: "Hôm nay chị với Phú chơi tới cùng nhá!". Tuy nhiên, vài phút sau, Shark Phú tự dừng cuộc đua với Shark Liên.

Chốt hạ, Shark Liên tặng Golden Ticket 500 triệu cho cá nhân Lương Xuân Trường và Nguyễn Việt Hùng. Và chốt deal thành công với Startup này.

Tại Shark Tank Việt Nam mùa 5, chia sẻ về lý do thành lập Trung tâm IRC, Lương Xuân Trường cho biết trong suốt thời gian từ thuở còn niên thiếu đến khi trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, anh đã phải chứng kiến nhiều chấn thương nặng của những người đồng đội, người đồng nghiệp trong bóng đá hay kể cả những vận động viên của các bộ môn thể thao khác.

IRC hướng tới phục hồi chức năng chấn thương thể thao một cách toàn diện với 4 sản phẩm chính, bao gồm: Phục hồi chấn thương và các bệnh lý liên quan đến cơ, xương, khớp; phòng tránh chấn thương; dinh dưỡng; giải quyết vấn đề liên quan đến tâm lý. Hiện nay, trung tâm này đã vận hành 2 sản phẩm là phục hồi chấn thương và phòng tránh chấn thương.

Đến với Shark Tank Việt Nam, hai nhà đồng sáng lập kêu gọi đầu tư 3,5 tỷ cho 5% cổ phần của IRC.

img

Shark Liên tặng Xuân Trường và Việt Hùng 500 triệu đồng

img

Hình ảnh ibanking chuyển tiền tặng cho Startup của Shark Đỗ Liên

Tiền vệ Trường "híp" nói về nỗi lo chấn thương

Trên sóng truyền hình, Lương Xuân Trường kể lại: “Em còn nhớ cảm giác ám ảnh khi phải chứng kiến một người đồng đội chơi ăn ý nhất với mình trên sân cỏ là Nguyễn Tuấn Anh. Bạn đã phải sang Thái để phẫu thuật cho chấn thương đứt dây chằng chéo đầu gối trước của mình, sau đó đã phải sang Pháp một mình để điều trị và tập phục hồi. Khi đó bạn ấy chỉ mới ở độ tuổi 16, 17 thôi”.

Đã có rất nhiều trường hợp những vận động viên ở các bộ môn khác đã phải tạm dừng sự nghiệp và có những người đã phải giải nghệ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. “Và em chắc chắn không có gì tồi tệ hơn việc mình có đam mê nhưng khả năng thực hiện đam mê đó lại không còn nữa”, anh cho biết.

Xuân Trường hồi tưởng, năm 2019, Lương Xuân Trường bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối. Anh đã phải sang Hàn Quốc phẫu thuật, điều trị và tập phục hồi để có thể trở lại với thể thao chuyên nghiệp. Trong suốt thời gian ở Hàn Quốc, trong anh luôn đau đáu những câu hỏi “Tại sao lại không phải là Việt Nam?”, “Tại sao mình phải đến đất nước xa xôi đến thế để điều trị phục hồi chấn thương?”.

Quay trở về Việt Nam, có cơ hội gặp gỡ những phẫu thuật viên, bác sĩ, nam tiền vệ được biết ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi nơi có khoảng 500 – 1.000 ca phẫu thuật chỉ riêng cho dây chằng, chưa kể đến những bệnh lý khác về cơ, xương, khớp. Sau khi phẫu thuật, thường các bệnh nhân sẽ được đưa cho giáo án để tự luyện tập và có lịch hẹn tái khám sau khoảng 3-6 tháng.

Rủi ro ở đây là trong thời gian tự phục hồi tại nhà, có thể có thời điểm bệnh nhân luyện tập không đúng cách vì không có ai kiểm chứng. Nếu họ gặp phải vấn đề gì đó trong tập luyện mà lại ở xa thì rất khó để các bác sĩ trực tiếp xử lý.

Những điều đó đã thôi thúc nam tiền vệ quyết tâm phải có một trung tâm phục hồi chấn thương thể thao cho người Việt và IRC đã ra đời.

img

Màn tâng bóng giữa Xuân Trường và các Shark

Doanh thu IRC đạt khoảng 3,5 tỷ đang lỗ

Việt Hùng và Lương Xuân Trường đã bắt đầu khởi động dự án của mình vào tháng 5/2020. Sau quá trình đào tạo, đến tháng 3/2021, IRC chính thức khai trương. Tính đến hết tháng 4/2022, IRC đã phục vụ 341 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 3,5 tỷ và đang lỗ.

Nhà điều hành IRC thẳng thắn chia sẻ, ở thời điểm hiện tại IRC đang lỗ bởi vì sau khi khai trương, trung tâm mất gần 6 tháng “tê liệt” và “đóng băng”, không có doanh thu vì giãn cách xã hội.

Về chất lượng chuyên môn dịch vụ, IRC hiện đang thuê chuyên gia y học thể thao nước ngoài để đào tạo đội ngũ đường dài, sẵn sàng cho việc mở rộng sau này.

“Trước mắt bọn em vẫn ưu tiên có chuyên gia người nước ngoài để vừa làm việc vừa đào tạo. Ước mơ của em sau này là trung tâm này sẽ chỉ vận hành bằng người Việt, có thể phục vụ cho người Việt”, Lương Xuân Trường bộc bạch.

Việt Hùng cho biết, khẩu hiệu của IRC là “phụng sự thể thao Việt Nam”. Sản phẩm của IRC không chỉ hướng tới những người chơi thể thao chuyên nghiệp mà còn cả những người chơi thể thao phong trào và những người có bệnh lý về cơ, xương, khớp thuộc phân khúc trung cấp.

Tùy vào chỉ định của bác sĩ cho từng loại chấn thương và mong muốn của khách hàng mà thời gian điều trị sẽ khác nhau. Nếu điều trị mỗi ngày 1,5 tiếng, khoảng 22 buổi một tháng thì chi phí điều trị rơi vào khoảng từ 26 – 30 triệu.

img

Shark Tank Việt Nam mùa 5 - Tập 6 có sự tham gia của Shark Linh thay ghế Shark Hùng Anh

Shark Bình thắc mắc điểm mạnh mũi nhọn của IRC là gì trong 6 yếu tố con người, quy trình, sản phẩm-dịch vụ, giá cả, tiếp thị marketing, bán hàng. Việt Hùng cho biết đó là sản phẩm, và sản phẩm gắn liền với con người là đội ngũ chuyên gia.

Tuy nhiên Shark Bình và Shark Linh vẫn muốn làm rõ hơn sự nổi bật, khác biệt của IRC so với các trung tâm khác.

Lương Xuân Trường lý giải sự khác biệt ở đây chính là các chuyên gia y học thể thao ở IRC về mặt chuyên môn, các giáo án, giáo trình phục hồi chấn thương. Bệnh nhân sau khi thăm khám, có chỉ định của bác sĩ thì các chuyên gia y học thể thao sẽ đưa ra một giáo trình để tập phục hồi theo một lộ trình rất chi tiết.

Xuân Trường chia sẻ: “Bản thân em trực tiếp trải nghiệm với các chuyên gia đó ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là những chuyên gia mà em trực tiếp trải nghiệm và em muốn mời những chuyên gia đó về Việt Nam để đào tạo lại cho các bạn. Tất nhiên là có thể em được trải nghiệm nhiều hơn, bị chấn thương nhiều hơn thì sẽ biết tập luyện phục hồi với bác sĩ nào, với chuyên gia nào sẽ phù hợp với mình hơn hoặc là tốt hơn”.

Shark Hưng đánh giá đây chính là điểm mạnh của IRC khi Lương Xuân Trường đang là cầu thủ chuyên nghiệp và có bạn bè, đồng đội cũng là người chơi thể thao. Vì thế IRC sẽ hiểu được khách hàng cần gì trong quá trình này.

“Bản thân em đã là một KOL, một KOC rồi. Em đầu tư vào một trung tâm chuyên về vấn đề vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho thể thao là một lợi thế về marketing”, Shark Hưng phân tích lợi thế của IRC từ góc độ kinh doanh.

Ông cũng nêu quan điểm, ở góc độ chuyên môn, startup sẽ phải tiếp tục thêm bác sĩ giỏi, thêm máy móc thiết bị hiện đại để liên tục phát triển.

Việt Hùng cho biết hiện IRC đang thuê văn phòng ở Hà Nội với 2 mặt sàn, diện tích mỗi mặt sàn khoảng 125m2. IRC đang có 6 nhân viên làm chuyên môn, có thể phục vụ tối đa 30 lượt khách trong 1 ngày. IRC hiện có 3 cổ đông và đã góp vốn 6,64 tỷ.

img

Ngoài việc tặng cho Startup IRC 500 triệu, Shark Đỗ Liên đồng ý đầu tư cho IRC 7 tỷ cho 15% cổ phần

Shark Liên chơi lớn, tặng luôn Golden Ticket lên 500 triệu

Muốn thương thảo riêng với startup, Shark Liên nâng giá trị của Golden Ticket lên 500 triệu. Bà cho biết có thể giúp startup kết nối với các chuyên gia đầu ngành ở Mỹ và Đức để đưa bác sĩ của trung tâm ra nước ngoài đào tạo hoặc đưa chuyên gia quốc tế về huấn luyện cho các bác sĩ Việt Nam.

Ngoài ra, bà có thể giúp IRC về mặt bằng ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc các tỉnh, thành phố khác. Do đó, Shark Liên đề nghị đầu tư 3,5 tỷ cho 25% cổ phần. Shark Liên phân tích: “Tại vì các em chưa có gì cả. Thực sự là chị đầu tư vào con người. Chị muốn đi đường dài, phát triển bền vững với các em”.

Việt Hùng cho biết tỷ lệ phần trăm đó quá cao so với startup. IRC muốn mở rộng ở TP. Hồ Chí Minh nên cũng muốn chia sẻ cổ phần cho các chuyên gia, những người làm chuyên môn để có thể cùng đi đường dài. Do đó, anh đưa ra đề nghị chia sẻ 15% cổ phần với số tiền 7 tỷ.

Tuy nhiên, Shark Liên chưa đồng thuận với con số này. Shark Liên đưa ra các lý lẽ để thuyết phục startup như sẵn sàng cho vay nếu startup cần thêm vốn, có hệ sinh thái bảo hiểm để gia tăng giá trị cho khách hàng.

Đáp lại, hai nhà đồng sáng lập cho biết hai anh tự tin về mặt tài chính ở thời điểm hiện tại và kiên định với mức đề nghị đầu tư của mình

Sau một hồi thương thảo, Shark Liên đồng ý đầu tư cho IRC 7 tỷ cho 15% cổ phần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.