Tăng trưởng từ 40 - 46%/năm, doanh thu 157 tỷ đồng
Xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 2, Nguyễn Thị Vân Anh – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Trí Việt Phát kêu gọi các Shark đầu tư 22 tỷ để đổi lấy 5% cổ phần của công ty.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa khoa Hóa – Thực phẩm và có kinh nghiệm 11 năm công tác tại các công ty đa quốc gia ở vị trí kỹ sư công nghệ thực phẩm, kỹ sư bán hàng, Vân Anh nhận thấy Việt Nam phải nhập khẩu nhiều sản phẩm thực phẩm, bao gồm cả nguyên liệu và sản phẩm cuối. Chính vì thế, chị cùng ông xã thành lập Trí Việt Phát vào năm 2012 nhằm sản xuất các loại gia vị từ nguyên liệu của Việt Nam để cung cấp cho khách hàng B2B (Business to Business – Doanh nghiệp bán hàng tới doanh nghiệp) ở thị trường trong nước.
Sau gần 10 năm, công ty đã sở hữu một nhà máy đạt chuẩn FSSC 22000 rộng 6.000m2 và 3 thương hiệu gồm: Trí Việt Phát – chuyên bán sỉ gia vị; Gungon – thương hiệu bán lẻ gia vị; dòng nước uống tiện lợi là Wil.
Bên cạnh đó, sản phẩm của Trí Việt Phát cũng đã được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và Nhật Bản.
Theo nữ sáng lập, những năm gần đây dù tình hình kinh tế nhiều khó khăn nhưng Công ty Trí Việt Phát vẫn tăng trưởng từ 40 - 46%/năm. Gần nhất, doanh thu năm 2022 đạt 157 tỷ, lợi nhuận ròng là 10%. Mục tiêu năm 2023, doanh thu của Trí Việt Phát sẽ đạt 187 tỷ.
Thông tin này khiến Shark Hưng không khỏi thắc mắc: “Tại sao bạn lại kêu gọi 22 tỷ để làm gì? Vì nhìn bức tranh tài chính có vẻ lành mạnh lắm”.
Vân Anh chia sẻ tham vọng hướng tới một công ty toàn cầu 1.000 tỷ trong vòng 4 năm tới. “Một công ty toàn cầu là công ty thứ nhất là lên IPO. Tiếp theo nữa là sản phẩm của mình đi bán được nhiều nơi và tốt hơn nữa là có nhà máy ở một quốc gia khác”, nữ sáng lập giải thích.
Ngoài ra, chị cũng tự tin Trí Việt Phát không có đối thủ bởi không dễ dàng để đạt được tiêu chuẩn FSSC 22000.
Rượt đuổi % giữa dàn "cá mập", Shark Hùng Anh vung deal triệu USD
Đánh giá startup đã có sản phẩm đầy đủ, bức tranh tài chính, lợi nhuận tốt, Shark Hùng Anh là vị “Cá mập” đầu tiên chốt deal với mức đề nghị là 22 tỷ cho 20% cổ phần.
Quan tâm đến lĩnh vực gia vị và từng đầu tư vào công ty tương tự sản xuất tại Thái Lan, Shark Hưng đề nghị đầu tư 22 tỷ đổi lấy 15,1%, với định giá doanh nghiệp bằng 1,5 lần giá trị vốn chủ sở hữu trên sổ sách, tức là 123 tỷ.
Shark Bình là nhà đầu tư tiếp theo gia nhập thương vụ với mức đề nghị 22 tỷ đổi lấy 15% cổ phần kèm điều kiện startup phải trả cổ tức ít nhất 15% của khoản đầu tư.
Nguyễn Thị Vân Anh tự tin cho biết năm nay sẽ đạt doanh thu 187 tỷ và năm sau sẽ cán mốc 260 tỷ bởi đã đầu tư công nghệ xong mà chưa dùng đến công nghệ đó. Chính vì thế, chị đưa ra mức kêu gọi khác là 22 tỷ cho 11% cổ phần.
Trước sự tự tin của nữ startup, Shark Hùng Anh quyết định thay đổi tỷ lệ cổ phần sở hữu là 15%, bằng với Shark Bình. Ngay lập tức, Shark Bình cho biết mức sở hữu của ông sẽ là 14%.
“Bây giờ em chốt với chị luôn. Nếu như số liệu chị đưa ra đúng nha. 24 tỷ cho 15% cổ phần”, Shark Hùng Anh nói. “Thì tôi thay đổi deal 22 tỷ cho 13%”, Shark Bình tiếp lời.
Giữ nguyên mức đề xuất ban đầu là 22 tỷ đổi lấy 15,1%, Shark Hưng cho biết ông có những giá trị quan trọng. “Trong kinh doanh người ta phải nhìn vào tiềm năng thị trường. Ai lo được đầu ra cho bạn. Ai lo được thị trường cho các bạn”, Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Columbus Partners thuyết phục.
Trước màn “rượt đuổi” từng con số của ba Shark, Vân Anh đã trao đổi với chồng và quyết định nhận đề nghị đầu tư của Shark Hùng Anh với con số 24 tỷ cho 15% cổ phần.
Như vậy, Trí Việt Phát là startup nữ tiếp theo kêu gọi thành công vốn triệu USD trên Shark Tank Việt Nam mùa 6 và cũng là deal triệu USD thứ hai của Shark Hùng Anh trong Shark Tank mùa này.
Shark Bình chi 500.000 USD lấy 15%
Bánh mì Xin Chào lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn, cam kết phát triển 50 cửa hàng trong hai năm. Dù trong 7 năm hoạt động, thương hiệu mới chỉ được tổng cộng 15 cửa hàng và chi nhánh tại Nhật Bản.
Bánh mì Xin Chào là thương hiệu bánh mì Việt Nam tại Nhật Bản do Bùi Thanh Tâm và anh trai Bùi Thanh Duy cùng sáng lập. Đây là chuỗi cửa hàng bao gồm cửa hàng nhượng quyền chuyên phục vụ bánh mì và các món ăn của Việt Nam tại Nhật Bản.
Bùi Thanh Duy và Bùi Thanh Tâm sinh ra trong một gia đình thuần nông tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hai anh em là cựu du học sinh Nhật Bản, đã có 10 năm sinh sống và làm việc tại đất nước này.
Nhận được sự ủng hộ của anh trai, cửa hàng nhỏ phục vụ bánh mì hương vị truyền thống Việt Nam mang tên Bánh mì Xin Chào đã ra đời vào tháng 10/2016 trên dãy phố Waseda Dori - một con phố ẩm thực sầm uất ở Tokyo. Sau 7 năm, đến nay Bánh mì Xin Chào đã có tổng cộng 15 cửa hàng và chi nhánh tại Nhật Bản.
Bùi Thanh Tâm kêu gọi các Shark đầu tư số tiền là 500.000 USD cho 9% cổ phần. Anh cho biết, lý do đến Shark Tank Việt Nam gọi vốn là nhằm xây dựng một thương hiệu F&B Việt, đẳng cấp, tầm cỡ, không phải chỉ ở Nhật Bản mà còn vươn ra thế giới.
Thanh Tâm cho biết Bánh mì Xin Chào tăng trưởng liên tục 170% trong năm năm liên tiếp. Trong 3 năm gần đây, doanh thu năm 2020 bao gồm cả hàng quản lý và nhượng quyền là 550.000 USD, năm 2021 là 950.000 USD và năm 2022 là 1,45 triệu USD. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 11%.
Trong hệ thống 15 cửa hàng, có 5 cửa hàng do anh em Thanh Duy, Thanh Tâm làm chủ và 10 cửa hàng còn lại là nhượng quyền. Đối tác cần chi trả khoảng 20.000 USD để được nhượng quyền thương hiệu Bánh mì Xin Chào trong 5 năm, 40.000 USD cho việc setup và các chi phí khác liên quan đến mặt bằng và đặt cọc.
Như vậy, để có một cửa hàng nhượng quyền sẽ tốn khoảng 70.000 - 80.000 USD, có những cửa hàng cần trên 100.000 USD nhưng doanh thu đạt được sẽ là khoảng 45.000 USD.
Các cửa hàng nhượng quyền sẽ nhận nguyên liệu chính từ bếp trung tâm của Bánh mì Xin Chào và tự làm các loại rau đơn giản như hành, ngò, đồ chua. Để đảm bảo chất lượng, tất cả nguyên liệu sau khi chế biến sẽ cấp đông ở nhiệt độ âm 23 độ C và bảo quản ở nhiệt độ tương tự tại cửa hàng nhượng quyền. Tùy vào số lượng khách sẽ rã đông mỗi ngày để phục vụ.
Hiện tại, Bánh mì Xin Chào quản lý tồn kho theo hình thức chuyển hết hàng theo thứ tự các cửa hàng rồi mới bắt đầu làm sản phẩm mới và vẫn chưa ứng dụng công nghệ nào để quản lý vấn đề này.
Shark Tuệ Lâm và Shark Erik cũng lần lượt từ chối thương vụ với lý do tương tự. Chỉ có Shark Bình và Shark Hùng Anh quan tâm. Shark Bình cho biết ông sẽ đầu tư 500.000 USD để có 15% cổ phần với điều kiện trong 2 năm startup phải phát triển được 50 cửa hàng, có một cửa hàng chính và một food truck (xe tải thực phẩm). Thương vụ thành công.
Kêu gọi số vốn 8 tỷ cho 30% cổ phần, Trần Quang Huy – Nhà sáng lập công ty Kiz chia sẻ sẽ dùng cho việc thiết kế các sản phẩm, phụ kiện xoay quanh sản phẩm chính như: mũ, quần áo thể thao, giày thể thao... và dùng cho mục đích quảng bá, cũng như xây dựng cộng đồng.
Mô hình kinh doanh của Kiz bao gồm bán lẻ xe thăng bằng trẻ em; tổ chức các cuộc đua xe thăng bằng; dịch vụ tổ chức sự kiện đua xe thăng bằng cho trường mầm non; tổ chức mô hình sinh hoạt, đào tạo kỹ năng vận động, kỹ năng đi xe thăng bằng cho các bé. Tuy nhiên, thương vụ này ra về tay trắng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận