Tài chính

SHB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức

03/01/2025, 15:36

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HoSE - SHB) tăng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận SHB phát hành gần 403 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 11%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 11 cổ phiếu mới.

SHB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức- Ảnh 1.

Giao dịch tại SHB.

Nguồn vốn được sử dụng để phát hành cổ phiếu trả cổ tức là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định pháp luật và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia theo báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 31/12/2023.

Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của SHB dự kiến tăng thêm gần 4.029 tỷ đồng, từ 36.630 tỷ đồng lên 40.658 tỷ đồng, tiếp tục thuộc Top 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất hệ thống.

Việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, tăng khả năng cạnh tranh của SHB trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, và đặc biệt đáp ứng các lợi ích kỳ vọng của cổ đông.

Theo Nghị quyết Đại hội Đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, SHB chi trả cổ tức năm 2023 với tổng tỷ lệ 16%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 11% bằng cổ phiếu. Tháng 8/2024, ngân hàng đã chia cổ tức 2023 đợt 1 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% tới cổ đông.

SHB luôn duy trì tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 10 - 18%, liên tục nâng cao nền tảng vốn. Qua đó, các hệ số an toàn vốn, quản trị rủi ro luôn tuân thủ tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, quản lý rủi ro thanh khoản theo chuẩn Basel II và Basel III. Ngân hàng kiên định với định hướng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả, liên tục nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế, mô hình hiện đại.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng - PGS. Đinh Trọng Thịnh, nền tảng tài chính vững mạnh là thước đo khẳng định uy tín của ngân hàng trên thị trường, qua đó là cơ sở để mở rộng thu hút dòng vốn từ dân cư, doanh nghiệp hoặc huy động từ thị trường trái phiếu với mức lãi suất và kỳ hạn phù hợp.

Bên cạnh đó, PGS. Đinh Trọng Thịnh nhận định việc tăng vốn điều lệ không chỉ đảm bảo các yếu tố về an toàn tài chính, mà còn giúp ngân hàng thêm nguồn lực đầu tư vào chuyển đổi số và tín dụng xanh với nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế.

SHB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức- Ảnh 2.

Vốn điều lệ của SHB giai đoạn 2020 - 2024.

Đến 31/12/2024, tổng tài sản của SHB ở mức 740 nghìn tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng gần 523 nghìn tỷ đồng, tăng 18%. Các chỉ số an toàn, thanh khoản, quản trị rủi ro tuân thủ và tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 12%.

Trong chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện 2024 - 2028, SHB liên tục thúc đẩy đổi mới - sáng tạo, ứng dụng công nghệ, áp dụng các sáng kiến mới trong nội bộ và mang tới khách hàng các sản phẩm dịch vụ, giải pháp tiện lợi, hiện đại. Đây là một trong những yếu tố giúp chỉ số CIR tối ưu ở mức 24,68% - thấp nhất toàn ngành nhờ thúc đẩy số hóa, ứng dụng công nghệ vào quy trình hoạt động, nhằm tối ưu chi phí vận hành.

Ngân hàng ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), học máy (Machine learning), điện toán đám mây, sinh trắc học...

Tỷ trọng giao dịch qua kênh số và nền tảng online của SHB liên tục tăng trong nhóm đầu ngành. Đến nay, hơn 95% các nghiệp vụ, quy trình của SHB được số hóa. Hơn 98% giao dịch của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đều được thực hiện hoàn toàn thông qua kênh số Mobile banking, Internet banking.

Giai đoạn 2024 - 2028, SHB đang tập trung nguồn lực để triển khai chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện dựa trên bốn trụ cột: Cải cách cơ chế, chính sách, quy định, quy trình; Con người là chủ thể; Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; Hiện đại hóa công nghệ thông tin và chuyển đổi số và kiên định theo 6 giá trị văn hóa cốt lõi "Tâm - Tin - Tín - Tri - Trí - Tầm".

SHB đặt mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng top 1 về hiệu quả; Ngân hàng số được yêu thích nhất; Ngân hàng bán lẻ tốt nhất đồng thời là Ngân hàng top đầu cung ứng nguồn vốn, sản phẩm tài chính dịch vụ với khách hàng doanh nghiệp chiến lược tư nhân và Nhà nước, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, hệ sinh thái, phát triển xanh.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.