Ngày 1/4, truyền thông Thái Lan dẫn thông tin từ Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan (NHRC) cho biết sau khi nhận được các khiếu nại, cơ quan này đã điều tra và phát hiện nhiều nền tảng giao hàng coi người giao hàng (shipper) không phải là nhân viên của công ty, không đăng ký lao động cho họ.
Trái lại, shipper phải tự chịu chi phí đồng phục, nhiên liệu và khấu hao trên các đơn hàng, chỉ được trả phí theo mỗi đơn hàng do chủ sở hữu nền tảng quy định và không được hưởng bất cứ khoản phúc lợi nào khác.
Không những thế, NHRC cho biết các đơn vị điều hành nền tảng còn đặt ra nhiều quy chế riêng về thời gian làm việc, quy định đồng phục và quy tắc giao hàng. Nếu không tuân thủ, các lái xe sẽ đối mặt với mức phạt nặng, ảnh hưởng tới điều kiện làm việc.
Ngoài ra, vì không được coi là nhân viên hay đối tác kinh doanh, do đó các lái xe giao hàng không có tiếng nói trong cuộc họp với doanh nghiệp, đồng thời phải tự giải quyết với các bên thứ ba khi có sự cố xảy ra.
Theo bà Supatra Nacapew, thành viên NHRC, công việc của những người lái xe máy giao hàng tương tự như việc làm đòi hỏi có các giao kết hợp đồng lao động. Theo Điều 5 của Đạo luật Bảo hộ lao động Thái Lan, khi một người (được gọi là nhân viên) đồng ý thực hiện các dịch vụ cho một người khác (được coi là người sử dụng lao động) thì phải ký hợp đồng.
Khi xem xét các phán quyết của tòa án ở nhiều nước trước đó như Pháp, Anh, Mỹ, Hà Lan, những người lái xe giao hàng này về mặt pháp lý phải được coi là nhân viên của chủ sở hữu nền tảng giao hàng.
Do đó, hành động của một số nhà khai thác nền tảng giao hàng ở Thái Lan bị coi là vi phạm các quyền cơ bản của con người.
Sau cuộc họp vào ngày 19/3, NHRC đã kêu gọi các nền tảng giao hàng đưa ra mức lương và ngày nghỉ phép hằng năm phù hợp với Luật Lao động, đồng thời đề nghị Bộ Lao động nước này giám sát việc thực thi các chính sách trên.
“Các biện pháp phải được ban hành để đảm bảo đối xử công bằng và bảo vệ người giao hàng theo Luật Bảo hộ lao động”, đại diện NHRC lên tiếng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận