Giảm giá ồ ạt vẫn ế, nhiều cửa hàng phải thanh lý trả lại mặt bằng |
Do mùa đông năm nay không lạnh khiến các shop thời trang dù treo biển giảm giá (sale) 50%, thậm chí 70% nhưng doanh thu vẫn sụt giảm mạnh từ trong Tết đến nay. Nhiều cửa hàng đang phải bán tống, bán tháo, trả mặt bằng, tìm hướng đầu tư mới.
Mùa đông không lạnh, quần áo ấm “đóng băng”
Còn 2-3 tháng nữa mới tới mùa hè, song thời tiết Hà Nội đã có nhiều ngày nóng tới gần 30 độ C. Đa phần khách đều có nhu cầu chọn hàng xuân hè, song do không lường được sự thất thường của thời tiết nên doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không xoay xở kịp. Khảo sát của PV Báo Giao thông cho thấy, thị trường thời trang chưa tung ra được nhiều mẫu mã mới, trong khi hàng tồn không đủ size, nên nhân viên đến chủ cửa hàng đành ngậm ngùi nhìn khách vào rồi lại ngán ngẩm đi ra.
Chị Thủy, nhân viên bán hàng shop thời trang Zenda tại 181 Chùa Bộc, Hà Nội chia sẻ, để “hút khách” sau Tết, nhất là thời điểm giao mùa như hiện nay, các cửa hàng liên tục treo biển sale, lì xì đầu năm, khuyến mại kiểu mua 2 tặng 1, hay gây chú ý bằng những bảng biển “đồng giá 49k, 99k”, “xả hàng thu đông lần cuối”..., nhưng vẫn không ăn thua. “Nếu không có biển sale thì sẽ chẳng có ai vào”, chị Thủy nói.
Tính chung lại, mùa đông năm nay trở thành vụ làm ăn thất bát với nhiều cửa hàng, shop thời trang. Chị Hương, trưởng ca tại Sunfly Cầu Giấy cho hay: “Kể cả trước Tết, doanh thu cũng giảm thấy rõ, chỉ được chừng 500 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 800 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, ra Tết bên mình phải gom góp tung luôn hàng hè, còn hàng mùa đông vẫn xả 50-60% để thu hồi vốn, được đồng nào hay đồng ấy”.
Khảo sát tại hàng loạt tuyến phố thời trang như: Kim Liên, Chùa Bộc, Cầu Giấy..., khắp nơi la liệt biển sale 30-50%, thậm chí 70%. Tuy nhiên, ghi nhận của PV cho thấy, tại nhiều nơi, hàng giảm giá sâu hầu hết là hàng tồn từ nhiều năm trước hoặc hàng lỗi, hàng thiếu size, còn lại vẫn giữ nguyên giá hoặc chỉ giảm 5-10%. Một số biển gây sốc kiểu “giảm giá hàng đông, chỉ từ 49k, 99k...”, song khi vào cửa hàng được nhân viên chỉ mấy chiếc áo phông mỏng khiến không ít khách hàng thất vọng.
Ồ ạt thanh lý, trả mặt bằng
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, với các hãng thời trang lớn có cả chuỗi cửa hàng thì có thể bù đắp giữa các điểm bán hay giữa thời điểm bán chạy với thời điểm ế ẩm sau Tết, giao mùa. Tuy nhiên, với những cửa hàng nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu thì khó khăn lại càng chồng khó khăn. Như shop Fashion 2D tại Cầu Giấy đang phải giảm 50% giá bán để thanh lý toàn bộ sản phẩm, trả cửa hàng. Anh Khôi, chủ cửa hàng cho biết, chỉ riêng chi phí mặt bằng, mỗi tháng anh phải trả đều như “vắt chanh” 25 triệu đồng, chưa kể lương nhân viên, điện, nước... Vậy mà từ sau Tết đến nay, doanh thu cửa hàng anh chỉ vài trăm nghìn đồng/ngày, ngày khá khẩm nhất là 2,5 triệu đồng, cộng lại cả tháng được chừng 35 triệu đồng. Khoản doanh thu này không đủ chi phí thuê cửa hàng với nhân viên chứ chưa nói gì đến gốc với lãi. “Lỗ riết nên phải thanh lý nhanh để trả mặt bằng, dồn tiền đầu tư sang hướng khác thôi”, anh Khôi buồn bã nói.
Ngay cả các thương hiệu thời trang có tiếng tại Hà Nội như: GenViet, The Blue, Mazano, Oris, May..., ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, doanh thu từ trước Tết đến nay đều sụt giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Một nhân viên tại Mazano cho biết: “Bên mình hàng đông có áo măng tô bán tốt nhưng năm nay do trời không lạnh nên còn tồn khá nhiều, đang sale tới 60% mà vẫn không có khách mua, doanh thu giảm 30% so với năm ngoái”.
Tương tự như Fashion 2D, shop Men (Xuân Thủy, Cầu Giấy) cũng đang treo biển thanh lý để trả cửa hàng. Chị Hà, nhân viên lâu năm tại đây cho biết: Năm ngoái Tết ra còn có những đợt lạnh nên hàng đông vẫn bán túc tắc, doanh thu 15-20 triệu đồng/ngày. Còn năm nay sức mua yếu hơn hẳn, chỉ được 4-5 triệu đồng/ngày. Chị Hà thở dài: “Hàng đông còn tồn nhiều quá mà để năm sau lại lỗi mốt nên cửa hàng phải thanh lý. Dù giảm giá tới 50% nhưng trời nóng như thế này, ai mua”.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận