Shopee Việt Nam chậm đóng BHXH
Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội vừa công bố danh sách các doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn chậm đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc, bao gồm BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN). Danh sách này được tổng hợp đến ngày 31/1/2025, với dữ liệu cập nhật vào ngày 5/2/2025.
Theo số liệu công bố, có 59.944 đơn vị chậm đóng BHXH từ một tháng trở lên. Đáng chú ý, danh sách này không chỉ bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn xuất hiện nhiều tên tuổi lớn trên thị trường.
Công ty TNHH Shopee Việt Nam là một trong những đơn vị có số tiền chậm đóng thuộc top đầu, lên tới 15,24 tỷ đồng, với thời gian chậm đóng là một tháng.

Shopee Việt Nam bị bêu tên trong danh sách chậm đóng bảo hiểm xã hội vừa được TP. Hà Nội công bố. Ảnh: Maisonoffice.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate, đơn vị sở hữu các chuỗi nhà hàng nổi tiếng như Hutong, Kichi-Kichi, Gogi, Kpub, cũng nằm trong danh sách với số tiền chậm đóng 5,8 tỷ đồng trong một tháng.
Công ty TNHH Savills Việt Nam cũng có tên trong danh sách với số tiền chậm đóng lên tới 1,89 tỷ đồng.
Việc chậm đóng BHXH không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn tiềm ẩn nguy cơ pháp lý đối với các doanh nghiệp. Cơ quan chức năng khuyến nghị các đơn vị sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và tuân thủ quy định pháp luật.
Shopee Việt Nam đang làm ăn ra sao?
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Shopee, thành lập ngày 10/2/2015, có trụ sở tại tòa nhà Capital Place (29 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội). Đến ngày 31/12/2023, doanh nghiệp này có vốn điều lệ gần 5.267 tỷ đồng, thuộc sở hữu hoàn toàn của Shopee International Private Limited.
Trong gần một thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, Shopee đã duy trì chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ dựa trên mô hình "đốt tiền" nhằm chiếm lĩnh thị phần, vượt qua các đối thủ như Tiki và Lazada.
Cuối năm 2021, Shopee Việt Nam ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến 7.502 tỷ đồng, đẩy vốn chủ sở hữu vào trạng thái âm hơn 2.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước ngoặt xuất hiện vào năm 2022 khi doanh thu gần như tăng gấp đôi, đạt 10.949 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty bất ngờ báo lãi sau thuế 3.052 tỷ đồng, đánh dấu sự đảo chiều mạnh mẽ về kết quả kinh doanh.

Shopee duy trì chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ dựa trên mô hình "đốt tiền" nhằm chiếm lĩnh thị phần. Ảnh minh hoạ.
Năm 2023 tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt mức kỷ lục 18.475 tỷ đồng, tăng 68,7% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao khi giá vốn hàng bán chỉ chiếm 1.327 tỷ đồng, giúp Shopee đạt lợi nhuận gộp 17.148 tỷ đồng.
Tuy nhiên, áp lực chi phí vẫn rất lớn khi công ty ghi nhận chi phí bán hàng lên tới 14.960 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.442 tỷ đồng.
Dù có sự cải thiện đáng kể trong hiệu quả kinh doanh, Shopee Việt Nam vẫn chưa thể xóa bỏ hoàn toàn áp lực tài chính từ các khoản lỗ trước đó. Tính đến cuối năm 2023, công ty ghi nhận lỗ lũy kế 2.837 tỷ đồng, giảm so với mức 4.413 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Những con số này cho thấy Shopee Việt Nam đang trên đà cải thiện hiệu suất tài chính, song vẫn cần kiểm soát tốt hơn chi phí vận hành để đảm bảo sự bền vững trong dài hạn.
Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử ngày càng cạnh tranh, khả năng tối ưu hóa chi phí và gia tăng lợi nhuận ròng sẽ là yếu tố quyết định đối với triển vọng của Shopee tại Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận