Xã hội

Sĩ tử được gì khi luyện thi cấp tốc?

06/06/2014, 13:14

Năm nay, các sĩ tử được ôn luyện trong các "lò" cấp tốc với không gian rộng rãi, mát mẻ hơn, cách ôn luyện cũng được đổi mới.

Cận cảnh một “lò” luyện thi cấp tốc tại Hà Nội
Cận cảnh một “lò” luyện thi cấp tốc tại Hà Nội


Ôn luyện trong phòng máy lạnh


Đến hẹn lại lên, thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, cũng là lúc hàng loạt các lò luyện thi đại học tại Hà Nội khai trương. Ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, nhiều thí sinh ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận đã ồ ạt về Thủ đô với hy vọng tìm được lò luyện như ý. Tại Trung tâm thầy Thành - cô Thời (sau tòa nhà HITC), Cầu Giấy, Hà Nội có đến… 7 lớp luyện thi toán của bảy giáo viên, thuộc các khung giờ khác nhau. Với một số lớp của các thầy cô có tiếng như: Văn thầy Hưởng, Đại số thầy Trinh, Hình học thầy Nguyên, Toán thầy Hoàng, Anh cô Thúy Hồng… được các trung tâm bố trí luyện thi từ 2-4 buổi/tuần, mỗi buổi học hai ca liên tiếp (3 tiếng). Như vậy, số lượng kiến thức mà các thầy cô đưa ra trong mỗi buổi là rất lớn và các sĩ tử sẽ phải cực kỳ tập trung mới có thể ghi chép và lĩnh hội được đầy đủ.
 

"Các thầy cô tham gia giảng dạy tại trung tâm đều là những người có kinh nghiệm luyện thi. Họ đưa ra cách giải mẫu, hiệu quả nhất cho các dạng bài thường gặp. Giúp thí sinh khi nhìn vào đề, sẽ biết ngay hướng để làm bài, thay vì mất thời gian suy nghĩ ”.

 

Bạn Nguyễn Thành Đạt (Long Biên) -
người đỗ Đại học Bách Khoa năm 2009
với số điểm 27

Mức học phí của các trung tâm dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/ca. Khác với mọi năm, một số trung tâm đã quyết định giảm bớt số lượng học sinh để nâng cao chất lượng. Ở Trung tâm Hocmai (Đống Đa), lớp luyện thi cấp tốc còn yêu cầu thi đầu vào để có thể chia lớp theo trình độ của sĩ tử và có phương pháp ôn thi phù hợp nhất. Các em sẽ được các thầy cô cho ôn thi từ 8h-10h30 vào mỗi buổi sáng và luyện đề trong vòng một tiếng vào buổi chiều.

Điểm đáng chú ý, năm nay đa phần các lò luyện thi đã không còn cảnh thầy trò học tập trong không gian nóng bức chật chội. Tại một trung tâm có tiếng như Chùa Bộc, phòng học với sức chứa 500 em có đến 6 máy điều hòa và hơn 20 quạt trần hoạt động hết công suất. Ở một trung tâm luyện thi tại Đại học Y gần đó, điều kiện học tập của các em cũng được đảm bảo rất tốt với phòng học khang trang, thoáng mát.

Đừng dựa vào ôn “cấp tốc”


Mặc dù số lượng đăng ký luyện thi cấp tốc khá đông, song nhiều học sinh cũng hiểu, việc tham gia những khóa này chỉ còn là để rà soát kiến thức và bổ sung một vài vấn đề chưa rõ trong suốt quá trình học. Rất nhiều sĩ tử còn khẳng định rằng, nếu ai dựa hoàn toàn vào các lớp cấp tốc để thi đại học thì chắc chắn sẽ… trượt.


Cô Nguyễn Phong Lan - giáo viên bộ môn Ngữ văn của trường THPT Chuyên Ngoại ngữ nhận xét: “Việc ôn thi đại học phải là một quá trình dài chứ không thể giải quyết trong một vài buổi học cấp tốc. Trong hai, ba tiếng luyện thi, giáo viên sẽ đưa ra rất nhiều kiến thức và các em học sinh khó lòng có thể nắm bắt được tất cả. Vì thế, các em chỉ nên coi những buổi học này là cơ hội vá lấp những gì còn hổng. Thời gian ôn luyện tại nhà cũng rất quan trọng đối với các thí sinh trong giai đoạn này”.


Năm nay, một số trung tâm chấm dứt việc tổ chức lớp luyện thi cấp tốc mà thay vào đó là mở ra các khóa tổng ôn. Mục đích của những khóa học này là nhằm rà soát lại kiến thức cho các sĩ tử và nhấn mạnh những vấn đề quan trọng, thường xuất hiện trong đề thi đại học.


Bạn Nguyễn Thành Đạt (Long Biên) - người đã đỗ vào Đại học Bách khoa với số điểm 27 vào năm 2009, chia sẻ: 3/4 các bạn học sinh tham dự những lớp cấp tốc cùng mình đều đến từ ngoại thành Hà Nội. Các bạn phải đi xe buýt rất lâu để đến học nên cực kỳ chăm chỉ, tập trung và tận dụng từng giây, từng phút để bổ sung kiến thức. Còn những người đến đây với suy nghĩ: Học một khóa này là đủ để thi đại học, thì sẽ chán ngay sau buổi đầu tiên vì chẳng thể theo được chương trình”. 

Thành Uy
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.