Thị trường

Siết chi tiêu, quản nợ các địa phương

15/12/2015, 12:02

Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương siết chi tiêu, kể cả đầu tư, đảm bảo không để nợ lương cán bộ...

1
Đẩy mạnh công tác hải quan để chống thất thu, nợ đọng thuế là một trong những giải pháp để giảm nợ công - Ảnh: Hải Bằng

Sau thông tin Thành ủy Bạc Liêu hết tiền hoạt động lại đến Thành ủy Cà Mau trở thành “con nợ lớn”, Bộ Tài chính cho biết, đã yêu cầu các địa phương siết chi tiêu, kể cả đầu tư, đảm bảo không để nợ lương cán bộ cũng như các khoản an sinh xã hội.

Nợ công địa phương gần 1,5 tỷ USD

Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính Trương Hùng Long, cho biết, nợ công của địa phương hiện chiếm khoảng 0,8% GDP; Nợ của T.Ư tương đương 47,4% GDP và nợ do Chính phủ bảo lãnh 11,3% GDP (tính đến thời điểm cuối năm 2014). Như vậy, theo tính toán của PV Báo Giao thông, nợ công của địa phương tương ứng khoảng 1,472 tỷ USD (GDP của Việt Nam năm 2014 là 184 tỷ USD). “Nợ công tại từng địa phương, chủ yếu do Sở Tài chính theo dõi, song đến nay cũng chưa có đơn vị cụ thể nào chính thức quản lý. Liên quan hoạt động chi tiêu như trường hợp của Bạc Liêu hay Cà Mau phải căn cứ theo Luật Ngân sách”, ông Long nói.

"Trên thế giới nếu không trả được nợ, các hóa đơn khi đến hạn chính quyền phải tuyên bố vỡ nợ. Khi đó, họ sẽ xử lý theo trường hợp phá sản, sau đó cơ cấu lại nợ, nợ ai, khoản nào phải trả, tài sản nào có thể bán được... Họ cũng họp với chủ nợ về thời hạn trả nợ hay giảm nợ và các khoản lãi. Với những trường hợp để xảy ra tình trạng nợ nần như thế thì đương nhiên phải tính toán trách nhiệm người đứng đầu”.

Ông Bùi Ngọc Sơn
Trưởng phòng Kinh tế quốc tế
(Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới)

Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định, Cà Mau và Bạc Liêu sẽ không được hỗ trợ từ ngân sách T.Ư mà phải tự giải quyết.

Ông Hưng thông tin thêm, việc xử lý tài chính của Cà Mau và Bạc Liêu đến nay đã được giải quyết. Ước thực hiện thu cân đối ngân sách địa phương của cả Cà Mau và Bạc Liêu đều sẽ đạt và vượt dự toán T.Ư giao và đảm bảo đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi theo dự toán. Để xử lý thiếu hụt tạm thời ngân sách của TP Cà Mau, UBND tỉnh đã ứng kinh phí cho TP và yêu cầu phấn đấu thu để thanh toán lương cho cán bộ công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, môi trường và chiếu sáng công cộng. Trường hợp của Bạc Liêu, TP cũng đã ứng ngân sách cho Thành ủy Bạc Liêu để chi lương và kinh phí hoạt động đến hết năm nay và đang xem xét xử lý các khoản công nợ của Thành ủy.

Trả lời câu hỏi của PV về thực trạng ngân sách của các địa phương tại thời điểm này, ông Hưng cho biết Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình và hướng giải quyết nếu ngân sách gặp khó khăn khi các khoản phải thu chưa về kịp để cân đối. “Hai trường hợp Cà Mau và Bạc Liêu chỉ là trường hợp cá biệt. Đến thời điểm này, Bộ Tài chính chưa nhận được đề xuất của bất cứ địa phương nào về việc xin bổ sung ngân sách hoạt động”, ông Hưng cho hay.

2

Nợ các địa phương hiện xấp xỉ 1,5 tỷ USD, chiếm 0,8% GDP - Ảnh: K. Linh

Siết chi tiêu, siết cả đầu tư

Cũng theo ông Hưng, đến hết năm, căn cứ vào kết quả thực thu của địa phương và khả năng cân đối ngân sách, cơ quan tài chính tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền việc xử lý đối với từng địa phương.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng lặp lại như với Cà Mau và Bạc Liêu, Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương quản lý chặt chi tiêu. “Trong trường hợp địa bàn, cơ quan đơn vị hụt thu chưa xử lý dứt điểm hoặc thiếu hụt tạm thời các quỹ ngân sách, cần chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cần thiết”, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước nói.

Ông Hưng cũng cho biết, nếu ngân sách địa phương vẫn thiếu nguồn thì sử dụng thêm các nguồn tài chính của các địa phương theo quy định như nguồn dự phòng, quỹ dự trữ tài chính và các nguồn lực khác nhưng phải kết hợp với rà soát sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chưa cần thiết để đảm bảo cân đối.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án được bố trí từ nguồn này. “Nếu sau khi thực hiện các giải pháp trên mà ngân sách địa phương vẫn khó khăn, địa phương có báo cáo bằng văn bản đến UBND. Trường hợp ngân sách cấp tỉnh khó khăn thì phải báo cáo Bộ Tài chính để xem xét việc tạm ứng nguồn để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, đặc biệt là các chế độ chính sách và an sinh xã hội”, ông Võ Thành Hưng nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Trương Hùng Long, thông tin thêm, theo Luật Ngân sách 2015, các địa phương cũng được phép bội chi. Cùng với đó, công tác quản lý nợ công sẽ được giao cho một đầu mối thống nhất quản lý nhằm kiểm soát vay, chi trả. 

Không để nợ lương cán bộ

Bộ Tài chính ngày 10/12 đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu ở mức cao nhất để hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính cũng đề nghị chỉ đạo các cơ quan tài chính tham mưu cho các địa phương quản lý chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo đúng chế độ và phạm vi dự toán được giao. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội thảo, hội nghị, khánh tiết, hạn chế kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị rà soát tình hình thu chi, không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ cũng như các khoản chi chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.