Xã hội

Siết điều kiện, nâng chất lượng người tự ứng cử Quốc hội

09/05/2016, 07:18

Trong 154 người tự ứng cử được lập danh sách sau vòng hiệp thương thứ 2, chỉ có 11 người vượt qua vòng 3.

2
Người dân thông qua bầu cử để chọn ra các đại diện của mình (Trong ảnh: Bầu cử Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 tại Hà Nam)

Năm 2016, trong 154 người tự ứng cử được lập danh sách sau vòng hiệp thương thứ 2, chỉ có 11 người vượt qua vòng 3. Năm 2007, có hơn 200 người tự ứng cử nhưng chỉ có duy nhất 1 người trúng cử.

Trước thực trạng từ trước tới nay số người tự ứng cử ĐBQH rất đông nhưng cuối cùng số lượng trúng cử rất ít, Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử T.Ư.

Người tự ứng cử trúng cử ít là điều không mong muốn

Thưa ông, những kỳ bầu cử gần đây cho thấy, tỷ lệ người tự ứng cử trúng cử vào ĐBQH là rất ít. Theo ông, phải chăng có quá nhiều rào cản đối với những người tự ứng cử hay không?

"Việc tiến hành bầu cử 4 cấp sẽ giúp cho công tác chỉ đạo tập trung hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Vấn đề quyền con người được coi trọng, lần đầu tiên những người bị tam giữ, tạm giam vẫn được bầu cử. Tuy nhiên, việc bầu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cùng lúc sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, dễ coi trọng việc này, coi nhẹ việc khác. Với cử tri cùng một lúc, thời gian chỉ là khoảnh khắc mà phải lựa chọn bầu cho cả 4 cấp, có thể dẫn đến tình trạng “gạch đại”, nếu như thế thì chất lượng bầu cử khó đảm bảo. Mặt khác, người dân vẫn còn ít được tiếp xúc với các ứng cử viên, tính ra mới chỉ có khoảng từ 1 - 2% cử tri (mà thực chất là đại cử tri) được đi họp, gặp gỡ với các ứng cử viên."

Ông Vũ Mão

Việc người tự ứng cử mà trúng cử ít là hiện tượng có thật. Điều đó chúng ta không mong muốn, mà chúng ta mong muốn những người tự ứng cử, đặc biệt là người tự ứng cử là người ngoài Đảng tăng lên thì tốt hơn. Thậm chí theo tôi, nếu được 20% người tự ứng cử là ngoài Đảng mà trúng cử thì quá tốt hoặc ít ra được 10% cũng là tốt. Sở dĩ tôi nhấn mạnh việc người ngoài Đảng tự ứng cử ĐBQH là vì trong những nhiệm kỳ qua, số đảng viên trong Quốc hội lớn quá, chiếm tới khoảng 90%, điều đó không phản ánh đúng thành phần dân số, cơ cấu giai cấp, tầng lớp xã hội ở đất nước ta.

Trước đây, với trách nhiệm là Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử T.Ư, tôi cũng đã nêu quan điểm về vấn đề này và các đồng chí lãnh đạo cũng nhất trí việc có số lượng hợp lý người tự ứng cử (phần lớn là người ngoài Đảng) là rất cần thiết. Như thời đồng chí Võ Chí Công làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, quan điểm của ông là người ngoài Đảng trong Quốc hội nếu được 30% mà đa số là người tự ứng cử thì rất tốt. Nói thế để thấy rằng những tư tưởng đổi mới là đã có, nhưng để thực thi trong cuộc sống lại không hề đơn giản. Nếu nói có rào cản không thì cũng phải thừa nhận là có. Trước hết là rào cản về nhận thức của chúng ta. Thứ hai là, cách tổ chức thực hiện của chúng ta chưa thực sự bài bản, đầy đủ.

1

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử T.Ư.

Ông có thể phân tích rõ hơn những “rào cản” này?

Có mấy vấn đề đặt ra chúng cần quan tâm. Thứ nhất là, điều kiện ràng buộc đối với người tự ứng cử của chúng ta không có, ai thích tự ứng cử cũng được, điều đó là không nên.

Ở các nước khác, để tự ứng cử thì cần có một số quy định bắt buộc. Trước hết, ít nhất phải có số lượng cử tri nhất định ủng hộ cho họ. Họ phải lấy được một lượng chữ ký ủng hộ nhất định từ phía các cử tri. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng đặt ra một điều kiện tối thiểu về kinh tế. Anh muốn ứng cử thì phải đặt cọc một số tiền nhất định để chi phí những công việc trong cuộc bầu cử có phần của anh tham gia. Sau này nếu anh trúng cử thì số tiền đó sẽ được hoàn trả lại anh, nếu không trúng cử thì số tiền đó sẽ sung công quỹ, coi như đưa vào các hoạt động chung.

Việc “đặt cọc” làm cho người tự ứng cử có trách nhiệm hơn

Ông vừa nhắc đến quy định của các nước đối với người tự ứng cử phải thu thập được một số chữ ký ủng hộ và “đặt cọc” một số tiền nhất định khi tự ứng cử. Ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này?

Tôi thấy làm được như thế sẽ hợp lý hơn. Vấn đề thu thập được chữ ký là quan trọng. Còn việc “đặt cọc” là mang tính tượng trưng. Số tiền đó thực ra không lớn. Nhưng xét về mặt ý nghĩa, nó làm cho người ta có trách nhiệm cao hơn và cũng góp phần chọn lọc bước đầu.

Tôi lấy ví dụ như hiện nay, một người thất nghiệp cũng có thể tự ứng cử, một sinh viên cũng có thể tự ứng cử, vì xét về điều kiện chung thì họ đủ tiêu chuẩn. Có thể họ đơn giản chỉ nghĩ muốn “thử” xem sao chứ chưa chắc thực sự muốn trở thành người đại diện nói tiếng nói của dân. Nhưng với những người như thế, chúng ta cũng phải trải qua tất cả các vòng để lựa chọn, rất mất thời gian lại không cho kết quả. Nhưng nếu có quy định về những điều kiện cho người tự ứng cử thì sẽ khác. Như vậy, quy định này là một điều kiện để những người tự ứng cử có trách nhiệm cao hơn.

Ông có cho rằng quy định này là phù hợp với điều kiện của Việt Nam?

Ở nước ta, với những người tự ứng cử nếu quy định thu thập một số lượng chữ ký hoặc “đặt cọc” một số tiền thì sẽ là vấn đề mới. Muốn đưa vào luật phải là một quá trình tuân theo các quy định chặt chẽ. Chúng ta cần phân tích, giải thích được mọi lẽ thiệt - hơn và phải được sự đồng tình cao của xã hội và phải được Quốc hội xem xét thông qua.

Cảm ơn ông!

Chi phí “khủng” tranh cử vào Quốc hội Mỹ

Theo số liệu từ một tổ chức phi Chính phủ có trụ sở tại Washington (Mỹ) chuyên theo dõi chi phí bầu cử và chính sách công, năm 2010, số tiền thu được từ các Thượng nghị sĩ năm thứ nhất là gần 4 triệu USD, trong khi con số này ở các thành viên Hạ viện là hơn nửa triệu USD.

Trung bình, một ứng cử viên tranh cử vào Thượng viện năm 2010 phải bỏ ra khoảng hơn 8 triệu USD (năm 1990 là hơn 2,5 triệu USD, năm 2000 là hơn 5,8 triệu USD). Còn ở Hạ viện Mỹ, một ứng viên phải bỏ ra hơn 1,1 triệu USD năm 2010 (năm 2000 là 700.000 USD và năm 1990 là hơn 320.000 USD).

Hương Mai

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.