Điều được nhiều người quan tâm là cách thức giám sát thế nào để thực hiện được quy định trên, không để tái diễn tình trạng đối phó.
Siết thời gian lái xe ban đêm
Bộ GTVT đề xuất siết thời gian lái xe vào ban đêm nhằm hạn chế TNGT. Ảnh: Tạ Hải.
Theo quy định hiện nay, thời gian làm việc của mỗi người lái xe ô tô liên tục không quá 4 tiếng. Khi lái xe sau mỗi 4 tiếng, tài xế phải nghỉ ít nhất 15 phút, sau đó mới tiếp tục được làm việc.
Tuy nhiên, thời gian qua, xảy ra không ít vụ việc do tài xế mệt mỏi, không tỉnh táo khi lái xe trong khoảng thời gian từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Gần đây nhất là vụ tai nạn xảy ra lúc 0h ngày 21/7 tại cầu An Đồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng) giữa xe mô tô và ô tô đầu kéo khiến một nam thanh niên tử vong.
Tại dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất, thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ. Trong khoảng thời gian từ 22h00 ngày hôm trước đến 6h00 ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ, thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục trong thời gian này tối thiểu 30 phút.
Lý giải về đề xuất này, một thành viên trong ban soạn thảo cho biết, một trong những nguyên nhân khiến TNGT thường xuyên xảy ra vào ban đêm là do khung thời gian từ 22h hôm trước tới 6h sáng hôm sau là thời gian nghỉ ngơi theo nhịp sinh học của con người, bởi vậy, người lái xe thường mệt mỏi, buồn ngủ.
Thời điểm này, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thường ít hơn, các tuyến đường vắng hơn, tạo tâm lý chủ quan cho tài xế.
Vì vậy, tình trạng tài xế chạy quá tốc độ, vượt ẩu diễn ra phổ biến. Trong điều kiện mức độ chiếu sáng về đêm kém, tầm nhìn hạn chế khiến khả năng nhận diện tình huống và phản ứng của tài xế gặp nhiều khó khăn.
“Việc siết thời gian lái xe vào ban đêm sẽ hạn chế tình trạng mệt mỏi, làm việc quá sức của tài xế, từ đó, ngăn ngừa TNGT”, vị này cho hay.
Ủng hộ đề xuất này, một chuyên gia giao thông cho biết, thực tế, ở các quốc gia khác, những chuyến xe chạy ban đêm cứ 2 tiếng sẽ đổi lái xe.
Quy trình đổi lái tùy thuộc từng doanh nghiệp, có nơi thay tài xế ngay trên xe, có nơi lại bố trí tại một điểm trung chuyển. Khi xe đến điểm trung chuyển, lái xe mới lên, lái xe cũ xuống nghỉ, chuyên gia này nói và kiến nghị, dự thảo luật cũng cần quy định rõ lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và có người chịu trách nhiệm giám sát vấn đề này.
Giám sát bằng dữ liệu GSHT
Cho rằng quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô là hợp lý, song ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, cần cân nhắc đề xuất quy định thời gian lái xe liên tục không được quá 3 giờ đồng hồ trong thời gian từ 22h hôm trước đến 6h ngày hôm sau.
Bởi đây là khoảng thời gian xe tải hoạt động nhiều do đường vắng, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm độ hao mòn lốp.
“Nếu quy định như đề xuất của dự thảo sẽ khiến một lượng xe chuyển sang chạy vào khung giờ từ 6h00-22h00, làm gia tăng áp lực ùn tắc giao thông và tăng thêm nguy cơ TNGT. Nhiều đơn vị vận tải có thể phải bố trí thêm một lái xe, trong khi việc tuyển dụng lái xe rất khó khăn, riêng tại TP. HCM, lái xe đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc đang thiếu 10-20%. Cần cân nhắc nghiên cứu thí điểm để đánh giá tác động trước khi đưa vào Luật”, ông Quyền nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, với các doanh nghiệp vận tải lớn, nếu di chuyển đường dài, hiện nay vẫn bố trí hai lái xe vào ban đêm, do đó, quy định mới theo đề xuất của dự thảo sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Cho rằng việc siết thời gian làm việc của lái xe vào ban đêm về cơ bản sẽ giúp giảm thiểu TNGT nhưng ông Bằng cũng kiến nghị cần cân nhắc để tránh ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải, quan trọng nhất phải là kiểm soát được thời gian lái xe của tài xế.
Ông Bằng cho biết, hiện nay, việc quản lý thời gian làm việc của lái xe được thực hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT).
Khi tài xế lên xe bắt đầu ca làm việc sẽ phải quét giấy phép lái xe (GPLX) vào thiết bị này để hệ thống ghi nhận và tính giờ làm việc.
Khi đổi ca, tài xế mới thay cũng phải thực hiện thao tác này để ghi nhận việc đổi lái cũng như tính thời gian làm việc cho tài xế mới thay.
Đề cập đến cách thức giám sát thực hiện quy định, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT của các doanh nghiệp truyền về hệ thống quản lý của Cục Đường bộ VN, cũng là cơ sở để cơ quan quản lý có sự theo dõi, nhắc nhở hoặc căn cứ xử phạt nếu tài xế vi phạm.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, quy trình quản lý này vẫn còn bất cập bởi không loại trừ khả năng tài xế dùng GPLX của đồng nghiệp để quét khi đến thời gian giao ca nhưng thực chất không thực hiện việc đổi lái. Cần trang bị camera nhận diện khuôn mặt song song với việc quét bằng lái xe.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT kiến nghị xem xét quy định các doanh nghiệp phải có danh sách lái xe, thống kê thời gian làm việc của họ để cập nhật lên hệ thống quản lý.
Thông số này cũng phải tương thích với thời gian các xe hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Khi có tai nạn xảy ra sẽ là cơ sở để xem xét thêm trách nhiệm của doanh nghiệp.
Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, để hạn chế TNGT vào ban đêm, cần tăng cường hệ thống ánh sáng, cảnh báo trên đường nhằm hỗ trợ quá trình di chuyển, nhận biết đường của tài xế.
Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác TTKS vào khung giờ thường xảy ra TNGT để nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB của người dân.
Ngoài ra, cần đánh giá TNGT xảy ra trên từng tuyến đường để xác định nguyên nhân và có những giải pháp cụ thể khắc phục.
Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, cũng giống như giám sát tốc độ phương tiện, hiện nay việc giám sát thực hiện quy định về thời gian lái xe liên tục của tài xế được thực hiện qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình truyền về Cục Đường bộ VN.
Tại đây, dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng tháng, những trường hợp vi phạm quá thời gian lái xe liên tục sẽ được gửi về các Sở GTVT địa phương để làm cơ sở xử lý.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm trực tiếp giám sát thời gian lái xe của các tài xế thông qua thiết bị GSHT trên phương tiện, từ đó nhắc nhở, cảnh báo nếu tài xế vi phạm nhằm đảm bảo ATGT cho hành khách, phương tiện.
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, phân tích trên 11.043 vụ TNGT xảy ra trong năm 2022, TNGT xảy ra vào ban đêm chiếm chủ yếu, trong đó có 40,33% số vụ TNGT xảy ra từ 16h - 22h và 18,24% số vụ xảy ra từ 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận