Phối cảnh hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Bắc sông Cấm |
TP Hải Phòng vừa khởi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án xây dựng Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Dự án được đầu tư với nguồn vốn lên tới gần 10.000 tỷ đồng, sẽ mở rộng khu vực nội thành Hải Phòng ra phía Bắc với diện tích khoảng 324ha.
Mở ra trục không gian đô thị mới
Hàng trăm năm trước, sông Cấm ngăn cách, tạo nên sự đối ngược giữa bờ Bắc và bờ Nam. Nếu như bờ Nam sông Cấm (khu vực nội thành Hải Phòng) sầm uất với những bến cảng, trụ sở hành chính, doanh nghiệp, thì bờ phía Bắc bị tách biệt với những bãi sú vẹt, đầm nuôi trồng thủy sản, ruộng lúa của người dân các xã thuộc huyện Thủy Nguyên. Với việc triển khai Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, TP Hải Phòng kỳ vọng mở ra một trục không gian đô thị mới - thành phố nằm hai bên bờ sông Cấm lịch sử.
Theo quy hoạch, Khu đô thị mới Bắc sông Cấm nằm chủ yếu phía bờ Bắc sông Cấm và một phần phía Nam sông Cấm, thuộc khu vực địa giới hành chính các xã: Hoa Động, Tân Dương, Dương Quan (huyện Thủy Nguyên); phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) và phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền). Dự án được quy hoạch gồm 4 khu chức năng chính theo trục Bắc - Nam và 3 khu chức năng phụ trợ. Trong đó, 4 khu chức năng chính gồm: Khu hành chính - chính trị, khu đa chức năng, khu thương mại, khu cảnh quan mặt nước. 3 khu chức năng phụ trợ gồm: Trung tâm văn hóa, khu ở cao tầng kết hợp khu đa năng, khu thương mại và cảnh quan mặt nước. Bố cục không gian tổng thể khu vực quy hoạch sẽ thấp dần về khu trung tâm hành chính - chính trị, tổ chức hai trục không gian chính theo hướng Bắc - Nam và theo hướng Đông - Tây.
"Nếu có mặt bằng sạch, chúng tôi cam kết bố trí máy móc, thiết bị hiện đại và nhân lực thi công đảm bảo kỹ - mỹ thuật và chất lượng, đảm bảo ATLĐ, về đích đúng tiến độ yêu cầu”. Ông Nguyễn Trọng Khải |
Thiết kế cảnh quan đô thị dọc các trục đường chính là các công trình điểm nhấn như: Các tòa nhà, công trình kiến trúc nhỏ, điêu khắc; hệ thống cây xanh đường phố, hệ thống các trang thiết bị biển báo, đèn đường sẽ được nghiên cứu, thiết kế riêng, tạo điểm nhấn đặc trưng của từng khu phố. Bên cạnh đó, tổ chức không gian quảng trường trung tâm hài hòa với các khu vực chức năng xung quanh và đảm bảo cho các hoạt động sự kiện xã hội định kỳ và thường xuyên. Tổ chức hai hệ thống công viên ven sông Trịnh và công viên ven sông Cấm. Hai hệ thống công viên này ngoài chức năng liên kết về không gian, các khu vực phụ cận còn tạo ra hệ thống không gian mở của từng khu chức năng và của toàn bộ khu vực đô thị. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.899 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án 24 tháng.
Tại buổi khởi công xây dựng các công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Bắc sông Cấm, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: “Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sự kiện đầu tiên chuẩn bị cho việc xây dựng và di chuyển trung tâm hành chính - chính trị thành phố”.
Mạng lưới hạ tầng giao thông liên hoàn, hiện đại
Với đặc điểm xây dựng một khu đô thị hoàn toàn mới, TP Hải Phòng có điều kiện xây dựng hệ thống hạ tầng, giao thông đồng bộ và hiện đại. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm được đầu tư bao gồm: Cầu Hoàng Văn Thụ, đê, kè sông Cấm, hệ thống giao thông chính và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ toàn bộ khu vực Bắc sông Cấm với quy mô hơn 1.445,5ha.
Để triển khai dự án, cầu Hoàng Văn Thụ bắc từ bờ Bắc sang bờ Nam sông Cấm đang xây dựng. Mạng lưới giao thông được quy hoạch liên hoàn, thiết kế ô bàn cờ, bảo đảm khả năng kết nối nhanh chóng, an toàn giữa các khu chức năng và mạng lưới giao thông đối ngoại.
Các tuyến đường này kết nối khu vực phía Bắc và Nam sông Cấm như: Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, khu VSIP-Hải Phòng, đảo Vũ Yên với trung tâm thành phố qua cầu Hoàng Văn Thụ. Mối liên kết giao thông giữa Khu đô thị mới Bắc sông Cấm với trung tâm thành phố qua hệ thống cầu vượt sông Cấm gồm cầu Bính và cầu Hoàng Văn Thụ. Đường ven sông Cấm cũng được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị.
Cùng đó, thành phố cũng tổ chức 4 nút giao thông khác mức; Hầm tuynel kết nối dải trung tâm thành phố với đường trục Bắc - Nam của Khu đô thị Bắc sông Cấm; bố trí 4 cầu vượt và 7 hầm chui dành cho người đi bộ. Hệ thống giao thông công cộng sẽ có nhiều tuyến xe buýt thông thường và buýt nhanh (BRT)với 22 nhà chờ; 14 bãi đỗ xe ngoài trời và bãi đỗ xe ngầm, tổng diện tích khoảng 12ha. Kè sông Cấm có tổng chiều dài 2.417m. Giao thông thủy có bến tàu du lịch ở bờ Bắc sông Cấm phục vụ du lịch dọc dòng sông Cấm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận