Khám phá

"Siêu mỏ vàng" 12 triệu tỷ USD lơ lửng ở vũ trụ: Trung Quốc quyết "vợt" về?

03/09/2023, 17:55

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch cực kỳ tham vọng ngoài không gian.

Các nhà khoa học vũ trụ ở Trung Quốc đã đề xuất lộ trình sơ bộ để nước này xây dựng hệ thống khai thác tài nguyên không gian trải rộng khắp Hệ Mặt trời vào năm 2100.

Đại kế hoạch khai thác "mỏ vàng" xuyên vũ trụ của Trung Quốc

Theo Wang Wei, nhà khoa học hàng đầu của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASTC), hệ thống này nhằm mục đích khám phá, khai thác và sử dụng băng nước cũng như tài nguyên khoáng sản ngoài Trái đất một cách tiết kiệm.

Ông Wang Wei cho biết với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ vũ trụ, việc khai thác kinh tế tài nguyên vũ trụ có thể sớm bắt đầu từ hệ thống Trái đất - Mặt trăng vào không gian sâu và có thể đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia.

Sáng kiến này được đặt theo tên bách khoa toàn thư "Tiangong Kaiwu" (tạm dịch: Khai thác thiên nhiên) của nhà khoa học triều đại nhà Minh Song Yingxing - sẽ thúc đẩy nền kinh tế vũ trụ toàn cầu và giúp Trung Quốc đi trước sự phát triển, Wang Wei phát biểu tại cuộc họp của Hiệp hội Du hành vũ trụ Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 19/8/2023.

"Giống như những điều kỳ diệu được tạo ra trong thời đại hàng hải vĩ đại, một 'thời đại không gian vĩ đại' với việc sử dụng các nguồn tài nguyên không gian sẽ tạo ra những điều kỳ diệu tiếp theo trong lịch sử loài người và mang lại sự thịnh vượng mới cho nền văn minh của chúng ta" - Hãng tin China Space News trích lời ông Wang Wei.

Hệ Mặt trời 1

Ảnh Hệ Mặt trời. Nguồn: Internet

China Space News đưa tin, trong 3 năm qua, Wang Wei và nhóm của ông đã kiểm tra tính khả thi tổng thể và các công nghệ chủ chốt liên quan đến việc sử dụng tốt nhất các nguồn tài nguyên không gian sâu.

Kế hoạch của họ bao gồm xây dựng các cơ sở sử dụng băng nước trên Mặt trăng cũng như trên các tiểu hành tinh gần Trái đất; sao Hỏa; các tiểu hành tinh trong vành đai chính và các mặt trăng của sao Mộc, để cuối cùng hình thành một hệ thống tiếp tế trên khắp Thái dương Hệ.

Theo kế hoạch, các cơ sở như vậy có thể được đặt tại các điểm Lagrange ổn định về lực hấp dẫn 1 và 2 giữa Trái đất và Mặt trăng; và tại các điểm giữa Mặt trời với Trái đất, sao Hỏa và sao Mộc.

Bên cạnh các hệ thống tiếp tế, cơ sở hạ tầng như các tuyến vận chuyển tài nguyên và các trạm khai thác và chế biến ngoài Trái đất sẽ được xây dựng để cho phép các hoạt động thương mại quy mô lớn.

Để hoàn thiện hệ thống, cần phải tạo ra các công nghệ liên quan đến khai thác và xử lý tài nguyên vũ trụ, vận chuyển bằng đường hàng không và hoàn trả tài nguyên chi phí thấp, cùng nhiều công nghệ khác, với thời hạn từ năm 2035 đến năm 2100.

"Siêu mỏ vàng" trong Thái dương Hệ

Trong số 1,3 triệu tiểu hành tinh trong Hệ Mặt trời của chúng ta, khoảng 700 tiểu hành tinh ở tương đối gần Trái đất và ước tính trị giá hơn 100.000 tỷ USD mỗi tiểu hành tinh. Khi xem xét tính khả thi về mặt kỹ thuật và hiệu quả chi phí, 122 trong số 700 triệu tiểu hành tinh đó phù hợp về mặt kinh tế để khai thác và sử dụng, China Space Daily thông tin.

Nếu khai thác hiệu quả cả 122 tiểu hành tinh (với 100.000 tỷ USD mỗi tiểu hành tinh) thì tổng giá trị kinh tế mà 'mỏ vàng không gian' này mang lại là hơn 12 triệu tỷ USD.

Tiểu hành tinh 1

Khoảng 700 tiểu hành tinh ở tương đối gần Trái đất và ước tính trị giá hơn 100.000 tỷ USD mỗi tiểu hành tinh. Ảnh minh họa: Internet

Trung Quốc có kế hoạch phóng tàu thăm dò robot Tianwen-2 vào năm 2025 để thu thập các mẫu từ một tiểu hành tinh gần Trái đất có tên 2016 HO3 và đưa vật liệu trở lại Trái đất.

Năm 2026, tàu vũ trụ Chang'e-7 của Trung Quốc dự kiến sẽ hạ cánh xuống cực Nam của Mặt trăng để tìm kiếm băng nước. Nếu được tìm thấy, nó có thể được tinh chế thành nước uống, chuyển đổi thành oxy và sử dụng làm nhiên liệu hỗ trợ hoạt động lưu trú lâu dài của các phi hành gia cũng như cung cấp nhiên liệu cho tên lửa.

Một số công ty Trung Quốc, bao gồm cả công ty khởi nghiệp Origin Space có trụ sở tại Nam Kinh, cũng đã tham gia nỗ lực phát triển công nghệ khai thác không gian.

Nguồn: SCMP

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.