Ngay sau khi tiếp nhận mặt bằng, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đã đồng loạt triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng chung (tường rào, rà phá bom mìn, vật nổ, san nền thoát nước), nhà ga hành khách, các công trình phụ trợ…
Một góc khu Tái định cư Lộc An - Bình Sơn (Khu tái định cư sân bay Long Thành)
Đảm bảo tiến độ, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Phó tổng giám đốc ACV Đỗ Tất Bình cho biết, đến nay, đã hoàn thành rà phá bom mìn cho hơn 55,24% diện tích đất đã được bàn giao của dự án.
Khối lượng tương ứng đạt khoảng 715ha và thi công được 3,1km tường rào ranh giới cũng như 4,5km móng tường rào.
“Dự kiến, chúng tôi sẽ hoàn thành thi công 8.668km tường rào trong tháng 9/2021 và công tác rà phá bom mìn trong tháng 12/2021”, ông Bình cho hay.
Cũng theo ông Bình, hiện đã hoàn thành việc khảo sát địa hình, thủy văn, địa chất, mỏ, bãi thải, thí nghiệm các mẫu vật liệu đất, đá, cát... phục vụ công tác thiết kế san nền, khoan khảo sát phục vụ lập thiết kế nhà ga hành khách hoàn thành khoảng 73% khối lượng.
Đối với công tác thiết kế kỹ thuật và dự toán nhà ga hành khách, liên danh tư vấn bắt đầu thực hiện công tác thiết kế. Hiện đang khẩn trương thực hiện trước phần ngầm để trình thẩm định phê duyệt để khởi công tháng 2/2022.
ACV và Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) thống nhất quy trình thẩm định thiết kế và dự toán để rút ngắn được tiến độ đồng thời đảm bảo chất lượng của quá trình thẩm định và phê duyệt thiết kế.
Cơ quan thẩm định tiếp cận hồ sơ ngay từ khi bắt đầu thiết kế và sẽ tổ chức thẩm định trước các nội dung liên quan tới phần móng nhà ga hành khách, san nền thoát nước...
Khẳng định tiến độ dự án vẫn cơ bản đảm bảo, song ông Bình cho hay, 6 tháng đầu năm 2021, diễn biến của 2 đợt dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của ACV nói riêng và ngành hàng không nói chung.
Công tác triển khai các dự án đầu tư của ACV cũng gặp khó khăn do thiếu nhân sự làm việc trực tiếp.
Cùng đó, việc tổ chức lựa chọn tư vấn, nhà thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng kéo dài thời gian do làm việc trực tuyến. Đặc biệt, công tác phối hợp các đơn vị tư vấn thiết kế có chuyên gia nước ngoài cũng gặp khó.
Một số cán bộ, nhân viên, người lao động phải làm việc từ xa chưa đảm bảo được khối lượng công việc lớn và gấp rút.
Hoàn thành toàn bộ phần xây dựng trước 31/3/2025
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT Nguyễn Bách Tùng cho hay, để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, hoàn thành, đưa vào khai thác Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 trong năm 2025, Bộ GTVT đã chỉ đạo ACV lập kế hoạch triển khai với các mốc tiến độ chính.
Phấn đấu hoàn thành toàn bộ phần xây dựng trước ngày 31/3/2025 để đưa công trình vào vận hành khai thác thử đảm bảo đưa vào khai thác chính thức quý IV/2025.
“Các hạng mục công trình của dự án có khối lượng lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ hiện đại trên thế giới. Do đó, quá trình lập hồ sơ thiết kế, thẩm định, phê duyệt gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào tư vấn nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, ACV cần khẩn trương làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để thống nhất phương án huy động vốn; đồng thời khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt FS đối với 2 tuyến đường kết nối để UBND tỉnh Đồng Nai có cơ sở thực hiện công tác GPMB; chỉ đạo tư vấn khẩn trương hoàn thiện thiết kế gói thầu san nền để triển khai đáp ứng tiến độ.
Liên quan việc bố trí, huy động vốn cho dự án, ông Tùng cho biết, nhu cầu vốn cần huy động không vượt quá 2,5 tỷ USD, có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Vay thương mại trong và ngoài nước bằng USD hoặc VNĐ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay tín dụng xuất khẩu.
Phương án vay bằng USD trả bằng USD từ các ngân hàng trong nước có vốn cổ phần Nhà nước chi phối là phương án ưu tiên đã được ACV báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Đại diện ACV cũng khẳng định ưu điểm của phương án này là lãi suất cho vay bằng USD luôn thấp hơn đáng kể so với VNĐ. ACV có nguồn thu USD trực tiếp và gián tiếp từ hoạt động kinh doanh, khai thác các cảng HKQT như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc… để trả lãi vay ngoại tệ.
Hơn nữa, qua làm việc, các ngân hàng trong nước có vốn cổ phần Nhà nước chi phối hiện đang dư nguồn USD cần tìm đối tác cho vay tin cậy và đem tới lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng nước ngoài.
Phương án này đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nâng cao hiệu quả của dự án và bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước ACV.
Giá nguyên vật liệu leo thang
Theo ông Đỗ Tất Bình, giá thép tăng mạnh trong thời gian gần đây gây khó khăn lớn cho dự án. Một số loại nguyên vật liệu cơ bản khác như cát, đá xây dựng... cũng có xu hướng leo thang.
Tổng mức đầu tư, dự toán chi tiết của dự án được xây dựng dựa trên những khuôn khổ định mức và báo giá nhất định, khó lòng điều chỉnh kịp thời theo diễn biến của thị trường.
ACV đã phải kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sớm nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bình ổn thị trường giá nguyên vật liệu; kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Đồng thời, ACV chủ động đánh giá tác động của biến động giá của các vật liệu xây dựng chính đến dự án; xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên vật liệu đến tổng mức đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận