Tháng 3/2022 sẽ khởi công xây nhà ga
Theo kế hoạch, năm 2022 sẽ có nhiều hạng mục quan trọng của sân bay Long Thành được khởi công. ACV đã chuẩn bị triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?
Tôi có thể khẳng định tiến độ dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành đang trong tầm kiểm soát. Hạng mục rà phá bom mìn, vật nổ đã được thi công từ tháng 4/2021, hiện hoàn thành toàn bộ phần diện tích được bàn giao đợt 1 từ tháng 11/2021. Phần diện tích còn lại sẽ hoàn thành vào tháng 5/2022.
Ông Lại Xuân Thanh
Tương tự, việc lựa chọn tư vấn, triển khai khảo sát, thiết kế, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công cũng như đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn giám sát hạng mục tường rào ranh giới cảng hàng không vẫn đang được gấp rút triển khai trước trong phạm vi 1.810ha.
ACV đã và đang nỗ lực tối đa, bằng mọi biện pháp linh hoạt, hiệu quả nhất để triển khai đầu tư, xây dựng CHK quốc tế Long Thành đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng, tiến độ theo đúng chỉ đạo của Nhà nước.
Ông Lại Xuân Thanh
Phần tường rào còn lại bao quanh phạm vi 5.000ha của sân bay đang trong quá trình lựa chọn tư vấn thiết kế bản vẽ thi công.
Sau khi lựa chọn được đơn vị tư vấn, ACV sẽ khảo sát và thiết kế bản vẽ thi công để hoàn thành trong vòng 2 tháng và thẩm định, phê duyệt vào đầu tháng 4/2022.
Một trong những hạng mục quan trọng khác là nhà ga hành khách sẽ được khởi công xây dựng nhà ga vào tháng 3/2022 đúng như chỉ đạo của Chính phủ.
Trước đó, chúng tôi đã lựa chọn nhà thầu quốc tế thiết kế kỹ thuật là Liên danh Tư vấn gồm Heerim - Arup - Aurecon - ADPi và triển khai thiết kế kỹ thuật từ tháng 6/2021.
Đây là hạng mục có quy mô và tính chất phức tạp, do đó chúng tôi đang nỗ lực rút ngắn tối đa thời gian thiết kế kỹ thuật, thẩm tra, thẩm định của hạng mục này để hoàn tất trước tháng 9/2022 và đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công phần thân ga trong 3 tháng (từ tháng 9/2022 - 11/2022).
Với các công trình hạ tầng, khâu thiết kế kỹ thuật sẽ được thực hiện từ tháng 8/2021 - 8/2022; sau đó các khâu thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế và đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công tiếp tục được triển khai để có thể khởi công vào tháng 10/2022, đảm bảo hoàn thành cùng công trình nhà ga.
ACV đã tổ chức đấu thầu quốc tế và lựa chọn được tư vấn thiết kế kỹ thuật là Liên danh tư vấn JFV gồm tư vấn Nhật: JAC, Nippon Koei, OCG; Pháp: ADPi và tư vấn Việt Nam gồm ADCC, TEDI.
Hạng mục giao thông kết nối của dự án cũng rất quan trọng. ACV đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 trong tháng 12/2021.
Công tác lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2022. Công tác đấu thầu thi công xây dựng dự kiến trong vòng 3 tháng và sẽ khởi công vào tháng 12/2022.
Áp dụng những công nghệ hiện đại nhất
Mô hình nhà ga quốc tế Long Thành
Nhà ga sẽ được trang bị những công nghệ gì, so với các sân bay trên thế giới thế nào, thưa ông?
Nhà ga hành khách là công trình có đặc biệt quan trọng, quyết định đến tiến độ của toàn bộ dự án. Vì vậy ACV nỗ lực làm việc cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị có liên quan để tìm ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ.
Theo đó, phần cọc được tách ra để thiết kế, thẩm định song song và sẽ khởi công vào tháng 3/2022; Cùng đó, phần thân nhà ga sẽ tiếp tục được thực hiện thiết kế, thẩm định để thi công vào tháng 10/2022 theo đúng yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Về công nghệ, tôi có thể khẳng định ACV sẽ đưa vào sân bay Long Thành những công nghệ hiện đại bậc nhất. Trí tuệ nhân tạo sẽ được (AI) áp dụng vào hệ thống làm thủ tục hành khách, hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ hỗ trợ việc nhận dạng và xác định danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay…) được nhanh chóng, chính xác, rút ngắn thời gian làm thủ tục.
AI cũng sẽ dự đoán chuyển động của từng hành khách, tính toán đưa ra những thông tin đề xuất nhằm tối ưu hóa luồng hành khách hoặc phân bổ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu hành khách thay đổi.
Ngoài ra, sẽ có một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung đặt tại Trung tâm dữ liệu của CHK Long Thành (Data Center) để lưu trữ thông tin của các hệ thống của toàn bộ sân bay như: Hệ thống thiết bị kỹ thuật nhà ga, đài kiểm soát không lưu, thông tin xuất nhập cảnh, hải quan…
Một trong những ứng dụng internet vạn vật (IoT) sẽ được áp dụng tại sân bay Long Thành là công nghệ nhận dạng thông tin bằng tần số vô tuyến - RFID (Radio Frequency Identification). Đây là công nghệ kết nối để tự động xác định và theo dõi bằng các thẻ nhận dạng gắn vào vật thể như hành lý, thiết bị, đối tượng... giúp việc phân loại và nhận dạng hành lý gần như tuyệt đối chính xác. Hành khách dễ dàng truy cập, kiểm tra thông tin lộ trình hành lý của mình thông qua ứng dụng trên máy tính cá nhân hoặc điện thoại.
Vấn đề đảm bảo an ninh hàng không tại những sân bay lớn như Long Thành được đặc biệt quan tâm. Ông có thể chia sẻ thêm về công nghệ liên quan an ninh hàng không?
Trong lĩnh vực đảm bảo an ninh hàng không, thiết bị kiểm thể tự động (Body Scanner) sẽ được trang bị 100% bên trong nhà ga hành khách thay cho việc kiểm tra an ninh bằng dụng cụ cầm tay như hiện nay nhằm tăng cường hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian ở khâu kiểm tra an ninh và tạo sự thoải mái cho hành khách.
Việc áp dụng quy trình soi chiếu kiểm soát an ninh và hải quan đối với hành lý ký gửi (quốc tế, quốc nội) với 5 mức độ kiểm tra nghiêm ngặt cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị soi chiếu hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu (tương đương TSA của Mỹ) sẽ tăng cường mức độ đảm bảo an ninh an toàn hàng không.
Tư vấn đã thiết kế hàng rào an ninh sử dụng hệ thống cáp quang cảm biến chống xâm nhập kết hợp camera giám sát nhằm phát hiện sớm các vị trí có nguy cơ xâm nhập trái phép, cung cấp và lưu trữ hình ảnh tại khu vực có cảnh báo, phục vụ công tác đảm bảo an ninh hàng không.
Đến thời điểm này, việc triển khai dự án có gì khó khăn, thưa ông?
Dù chúng tôi đã nỗ lực tối đa triển khai dự án, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, vượt khỏi mọi dự đoán. Hàng không là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
Toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế bị dừng, ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ chính của ACV. Các đợt bùng phát dịch bệnh ở một số địa phương cũng làm giảm đáng kể sản lượng hành khách nội địa. Việc thương thảo, ký kết hợp đồng với các đơn vị đối tác có chuyên gia nước ngoài rất khó khăn.
Với những khó khăn trên, nguồn vốn triển khai dự án liệu có bị ảnh hưởng?
Nói không bị ảnh hưởng là không đúng. Tuy nhiên, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu các phương án huy động vốn tối ưu. Cụ thể, chúng tôi đã xây dựng phương án báo cáo Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng cho phép ACV tích lũy nguồn tiền tối đa từ hoạt động sản xuất kinh doanh để đầu tư trên cơ sở phương án bổ sung vốn điều lệ hàng năm từ lợi nhuận sau thuế, không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Chúng tôi cũng báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN làm việc với Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án cho phép ACV vay các ngân hàng quốc doanh trong nước bằng USD và trả bằng USD nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nâng cao hiệu quả dự án và bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại ACV.
Tiến độ xây dựng sân bay đang được kiểm soát hàng ngày, hàng giờ, không chỉ là hàng tuần, hàng tháng. Những gì tốt nhất có thể làm cho Long Thành, chúng tôi sẽ làm. Những gì khó khăn, vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ kiến nghị.
Cảm ơn ông!
Sân bay Long Thành sẽ được trang bị hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục hàng không (Self Check-in Kiosk), hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý (Self Baggage Drop), hệ thống kiểm soát an ninh tại cổng ra vào tự động (Automatic Gate Access Control-AGAC), hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động (Automated Immigration), hệ thống cửa ra tàu bay tự động (E-gate).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận