Những thông số ấn tượng
Theo trang Ukraine Battle Map, chiếc máy bay không người lái Sokol-300 do chính Ukraine tự chế tạo đã được trang bị cho các lực lượng quân đội nước này.
Sokol-300 được các kỹ sư tại văn phòng thiết kế Luch thiết kế với chiều dài 8,5m và sải cánh rộng nhất lên đến 14m. Chi phí phát triển một chiếc UAV Sokol-300 chỉ từ 1,2-1,4 triệu USD rẻ hơn rất nhiều so với nhập từ nước ngoài.
Chiếc UAV tấn công tầm xa này được trang bị nhiều loại động cơ khác nhau bao gồm các động cơ MS-500-05C/CE và AI-450T2 của Ukraine hay động cơ Rotax 914 của Áo. Tùy thuộc vào động cơ được trang bị mà Sokol-300 sẽ có khả năng mang theo số lượng vũ khí và tầm bay khác nhau.
Cụ thể, phiên bản cơ bản nhất có động cơ MS-500-05C/CE do Motor Sich chế tạo có thể giúp Sokol-300 bay liên tục trong 3h với tốc độ lên tới 335km/h và tầm bay tối đa 1.000km. Trong khi đó phiên bản trang bị động cơ AP-450T2 của Ivchenko-Progress có thể bay xa tới 1.300km với vận tốc tối đa là 275km/h trong 5h liên tục và phiên bản động cơ Rotax 914 có thể mở rộng tầm hoạt động tối đa lên tới 3.300km nhưng chỉ có thể bay được 150km/h trong vòng 26 tiếng.
Hệ thống điều khiển của Sokol-300 được trang bị cảm biến con quay hồi chuyển laser do công ty công cụ Arsenal phát triển. Chiếc UAV này có thể mang theo các loại tên lửa tấn công có độ chính xác cao RK-10, tên lửa diệt hạm P2-M và tên lửa chống tăng RK-2P với khả năng bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách 10km.
Hệ thống radar trên Sokol-300 có thể quét mặt đất ở độ cao 5km với độ chính xác trong phạm vi 30x30cm. "Con mắt" của chiếc Sokol-300 được tạo ra bởi hệ thống quang học điện tử do Barrier-B ATGM phát triển.
Trả lời phỏng vấn tờ Kyiv Post, thiết kế trưởng của Luch Oleh Korostyliov lý giải vì sao Ukraine phải nỗ lực sản xuất mẫu UAV tấn công đáng sợ này: "Tại sao chúng tôi quyết định bắt tay vào quá trình phát triển Sokol-300? Đó là vì, trong những năm gần đây, sau khi đã hoàn tất một số dự án khác nhau, chúng tôi đã tiếp nhận được toàn bộ công nghệ cần thiết để xây dựng mẫu máy bay không người lái hoàn thiện như thế này".
Nga khẩn trương thay đổi chiến lược
Với những thông số cực kỳ ấn tượng này, Sokol-300 được cho là có thể từ khu vực biên giới Ukraine với Nga tấn công ít nhất 80 căn cứ không quân của Nga ở vùng Murmansk thuộc Bắc Cực. Đây cũng là nơi Nga đồn trú nhiều máy bay ném bom khác nhau đang làm nhiệm vụ không kích các mục tiêu ở Ukaine trong đó đáng chú ý là những chiếc oanh tạc cơ chiến lược như Tu-95 và Tu-160. Nguy cơ những chiếc máy bay này bị tấn công ngày càng trở nên hiện hữu.
Điều này buộc Nga phải có những thay đổi mang tính chiến lược để đối phó. Một ví dụ cụ thể nhất chính là những hình ảnh vệ tinh hồi 6/2 vừa qua cho thấy 9 chiếc máy bay Tu-95 đã cất cánh từ căn cứ không quân Olenya của Nga trên bán đảo Kola để dội bom vào các mục tiêu của Ukraine trên hành trình bay dọc Biển Caspia và khu vực Saratov ở cực Bắc.
Tuy nhiên, khi những chiếc máy bay này quay trở lại căn cứ không quân Olenya, những hình ảnh vệ tinh một ngày sau đó chỉ cho thấy phi đội này chỉ còn có 6 chiếc. Dù không rõ 3 chiếc máy bay còn lại đang ở đâu, có giả thiết cho rằng, chúng đã được di chuyển đến những căn cứ khác của Nga.
Bên cạnh đó, những hình ảnh vệ tinh trong ngày 7/2 còn hé lộ thêm một thông tin đáng quan tâm là Không quân Nga đã phải điều thêm không dưới 8 chiếc chiến đấu cơ T-22M3 để hộ tống các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 trong khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, những chiếc Tu-134UBL với khả năng huấn luyện và chiến đấu ấn tượng cũng đã được Nga triển khai sử dụng.
Phiên bản hoàn hảo từ Thổ Nhĩ Kỳ
Theo các thông tin chính thức từ phía Ukraine, chiếc Sokol-300 được đánh giá là phiên bản nâng cấp của UAV Bayraktar-TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Vào thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Ukraine đã nhận được 50 chiếc UAV Bayraktar-TB2. Tuy nhiên, phòng không Nga vô hiệu hóa thành công loại UAV này khiến nó vắng bóng trên chiến trường trong suốt 1 năm qua.
Sự giống nhau giữa Bayraktar-TB2 và Sokol-300 hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã thống nhất xây dựng một nhà máy sản xuất Bayraktar-TB2 tại Ukraine dù thông tin này đã được giấu kín cho đến cuối năm 2023. Thỏa thuận giữa 2 nước được cho là bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ để Ukraine có thể phát triển thành công Sokol-300.
Một câu hỏi cần được đặt ra là liệu Sokol-300 có thể được Ukraine sử dụng trong các chiến dịch tấn công tầm xa vào các căn cứ của Nga ở Bắc Cực. Điều này dù được đánh giá là "khá điên rồ" vào thời điểm này nhưng không phải không có căn cứ.
Một minh chứng rõ rệt nhất cho điều này là việc rất nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi hình ảnh chiếc máy bay cảnh báo sớm A-50 Briev của Nga đỗ tại Belarus đã bị máy bay không người lái của Ukraine bay qua và chụp lại ảnh và thậm chí còn đậu trên thân chiếc máy bay này trước khi cất cánh rời đi.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một khía cạnh rất nhỏ mà Nga cần phải quan ngại. Câu hỏi đặt ra là đã có bao nhiêu nhà máy lọc dầu của Nga bị UAV của Ukraine tấn công trong những tuần vừa qua? Có bao nhiêu căn cứ không quân của Nga bị UAV của Ukraine tấn công chính xác? Câu trả lời là rất nhiều. Điều này càng cho thấy Nga đang loay hoay đối phó với UAV của Ukraine và tình trạng này đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tấn công và phòng thủ của quân đội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận