Đánh giá về những thành quả nổi bật của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) từ thời điểm thành lập (2018) đến nay, CMSC nhận định, một trong những mặt công tác đơn vị đã tập trung quyết liệt hơn 6 năm qua chính là công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương.
12 đại dự án gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Sản xuất Đạm Hà Bắc; dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; dự án nhà máy thép Việt Trung; dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
Theo CMSC, đây là những đại dự án khiến dư luận bức xúc khi có nguy cơ mất trắng hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước.
Cụ thể, thời điểm năm 2017, tổng vốn chủ sở hữu của 12 dự án âm 33,41 tỷ đồng, giảm hơn 4.018 tỷ so với cùng kỳ 2016; tổng nợ phải trả hơn 58.504 tỷ (tăng 3.440 tỷ so với 2016)...
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công thương, Ủy ban đã triển khai thực hiện 11/12 dự án hiện (riêng dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Bộ Công thương xử lý).
Hiện nay, toàn bộ 11/11 dự án, doanh nghiệp được giao Ủy ban trực tiếp xử lý đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương để thực hiện.
Sau khi có phương án xử lý, một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.
Đơn cử, nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty Cổ phần DAP - Vinachem từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022. Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVN có nhiều chuyển biến tích cực như: duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí.
Các dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón (dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Sản xuất phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai ) duy trì sản xuất kinh doanh, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế. Dù còn lỗ lũy kế nhưng từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi (giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), 3 dự án, doanh nghiệp này ước lãi từ năm 2022…
Ngoài ra, CMSC cũng cho biết, một loạt các dự án lớn khác lâm vào bế tắc, đình trệ cũng đã được Ủy ban với vai trò được giao chủ động phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… thúc đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác hoặc khởi công.
Cụ thể như, dự án Nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2; dự án Nhà máy điện Ô Môn IV; dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 01- Dự án thành phần 3; dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; dự án mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; dự án mở rộng Nhà ga T2 Cảng HKQT Nội Bài; dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành...
"Sau 6 năm, các dự án này đã có bước chuyển mình, bứt phá, phát triển theo hướng mới", CMSC nhận định.
Kết quả trên, cùng với việc hoạt động hiệu quả của 19 tập đoàn, tổng công ty, đóng góp cho nền kinh tế đất nước khoảng 10% GDP, CMSC cho rằng, việc "hồi sinh" những "đại dự án" đã góp phần tích cực chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia...
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước
Theo kế hoạch được Chính phủ ban hành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.
Thực hiện theo phương án này, dự kiến sẽ chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty (hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý) về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Đối với các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến phạm vi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận