Công ty oBike đóng cửa tại Singapore vì quy định mới |
Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) đang cân nhắc bổ sung thêm yêu cầu các công ty khai thác hoạt động chia sẻ xe (bicycle-sharing) phải nộp một khoản đặt cọc trong số các quy định về cấp phép hoạt động cho dịch vụ này chuẩn bị được công bố vào tháng 10 năm nay sau khi lùm xùm giữa khách hàng và hãng chia sẻ oBike nổi lên.
6,3 triệu đô la Singapore không biết về đâu
Khả năng trên được Thứ trưởng Bộ Giao thông Singapore Janil Puthucheary công bố tại Quốc hội hồi đầu tháng 7 trước những câu hỏi từ nhiều nghị sĩ về vụ việc của oBike tuyên bố phá sản nhưng người dùng không được nhận lại tiền đặt cọc đã nộp cho công ty và phương án ngăn chặn những sự việc tương tự tiếp diễn trong tương lai.
Công ty oBike thông báo đóng cửa tại Singapore từ 2 tuần trước, khiến 100.000 người dùng lo lắng về khoản tiền đặt cọc đã nộp cho công ty khi sử dụng dịch vụ (khoảng 49 đô-la Singapore, tương đương 824 nghìn VND/người).
Singapore sẽ có cơ chế bài bản để quản lý xe đạp chia sẻ Về quy định cấp phép cho các hãng chia sẻ xe chuẩn bị có hiệu lực tại Singapore, cơ chế này sẽ đi vào đời sống từ tháng 10 năm nay. Trong đó, giới chức Singapore sẽ đặt ra số lượng tối đa xe đạp chia sẻ mà mỗi nhà hoạt động được phép sở hữu và các công ty này phải đảm bảo người dùng đỗ xe có trách nhiệm nếu không sẽ đối mặt với những mức phạt nặng tay. Ngoài ra, bên cạnh mức phí đăng ký dịch vụ lần đầu tiên (khoảng 1.500 đô la Singapore), các công ty còn phải nộp phí cấp phép cho mỗi xe đạp là 60 đô la Singapore. Hiện, 7 công ty bao gồm: Anywheel, GBikes, Grabcycle, Mobike, ofo, Qiqi Zhixiang và SGBike đã nộp đơn để cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp theo cơ chế cấp phép mới. LTA đang xem xét đơn đăng ký và sẽ công bố quyết định cuối cùng vào tháng 9. |
Tiền đặt cọc là để đảm bảo người dùng bảo quản xe của hãng, tránh các hành vi phá hoại hay lấy trộm.Tổng cộng số tiền mà khách hàng tại Singapore đặt cọc cho oBike lên tới 6,3 triệu đô la Singapore, theo ước tính Chủ tịch oBike Shi Yi.
Công ty của Singapore quyết định rút khỏi thị trường ruột vì chính quyền quốc đảo ra quy định mới bắt buộc các công ty chia sẻ xe phải xin giấy phép hoạt động, hạn chế quy mô số lượng xe và oBike dự đoán có thể dẫn tới thua lỗ, Công ty oBike cho biết.
Không riêng tại Singapore, công ty vốn hoạt động trên 24 quốc gia cũng đóng cửa dịch vụ tại Australia chỉ một tuần trước và dính chỉ trích từ người dùng vì không bồi hoàn tiền đặt cọc. Chưa rõ số phận các chi nhánh của công ty này trên khắp thế giới và hàng nghìn xe đạp mà hãng sở hữu tại 24 nước sẽ ra sao.
Tương tự như người dùng Singapore, khách hàng Australia cũng sử dụng mạng xã hội để phàn nàn việc công ty không trả tiền bồi thường, kể cả sau khi hành khách đã liên tục gửi yêu cầu.
Một khách tên Joshua Williams phàn nàn, anh chưa nhận lại được tiền đặt cọc hay chỉ đơn giản là một phản hồi từ email. “Tôi không thể không bực mình khi bị móc túi trắng trợn và không nhận được một câu hồi đáp. Theo những gì tôi đọc trên trang Facebook của oBike, việc một khách phải chờ hàng tháng mà chẳng nhận được thông tin gì từ oBike là chuyện bình thường”, anh Williams cho biết.
Tại các quốc gia như: Australia, Malaysia, oBike là một trong những công ty chia sẻ xe lớn nhất trên thị trường. Thời điểm mở cửa, công ty có 1.250 xe tại Melbourne và 1.000 xe tại Sydney.
Chính các công ty cũng phải đặt cọc
Tại Singapore, chính quyền địa phương đã vào cuộc xử lý vấn đề oBike. LTA và Hiệp hội Người tiêu dùng Singapore (CASE) đã gặp Công ty oBike sau khi công ty này tuyên bố phá sản. Công ty oBike cho biết, họ đã có “kế hoạch chắc chắn” để bồi hoàn cho người dùng và thu hồi xe đạp tại nơi công cộng.
Công ty Tư vấn doanh nghiệp FTI Consulting được oBike chọn làm đơn vị giúp thanh lý phá sản cho biết, sẽ bàn vấn đề bồi hoàn cho khách hàng với Công ty oBike và các cổ đông. CASE khuyên người dùng oBike nộp bằng chứng oBibe nợ tiền thế chấp với công ty cố vấn doanh nghiệp FTI.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Singapore Janil Puthucheary cho biết: Hiện, chưa có quy định cụ thể về việc người dùng phải nộp tiền đặt cọc với các công ty chia sẻ xe, chỉ có một số công ty áp dụng. Trong tương lai, “nếu cơ quan chức năng yêu cầu người dùng đặt cọc khi cơ chế cấp phép cho các công ty chia sẻ xe bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10 năm nay, LTA sẽ nghiên cứu xem bản thân nhà khai thác bicycle-sharing có cần phải đặt cọc hay không”, ông Puthucheary nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận