Thế giới giao thông

Singapore - Malaysia đua nhau áp phí đường bộ

07/02/2017, 11:05

Chính phủ Singapore và Malaysia tranh cãi và trả đũa nhau vì phí đường bộ qua cửa khẩu.

Duong

 Đường dẫn tới cửa khẩu Woodlands.

Chính phủ Singapore và Malaysia tranh cãi và trả đũa nhau vì phí đường bộ qua cửa khẩu. Không ai khác, người điều khiển phương tiện giữa hai nước phải “chịu trận”.

Phí chồng phí

Bắt đầu từ ngày 15/2, tất cả xe ô tô đăng ký nước ngoài sẽ phải trả phí đường bộ đối xứng (RRC) trị giá 6,64 đô la Singapore (tương đương 101 nghìn VND) khi đi vào Singapore qua cửa khẩu ở Tuas hoặc Woodlands, không áp dụng với taxi. Người điều khiển phương tiện phải trả tiền qua thẻ Autopass hoặc thẻ CashCard tại các điểm xuất nhập cảnh.

Ngay sau khi công bố quy định trên, Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) nói thẳng: “Phí đường bộ đối xứng (RRC) tương đương phí đường bộ giá 20 ringgit Malaysia (khoảng 101 nghìn VND) mà Malaysia áp đối với các phương tiện không đăng ký tại nước này ở cửa khẩu Johor, bắt đầu được thi hành từ ngày 1/11/2016”.

Nếu trốn đóng phí, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt 50 đô la Singapore trong lần vi phạm đầu tiên, và 100 đô la Singapore trong các lần vi phạm tiếp theo. Những người vi phạm nhiều lần, không trả tiền phí sẽ bị truy tố và đối mặt với mức phạt hành chính lên tới 1.000 đô la Singapore hoặc án tù lên tới 3 tháng - LTA cho biết.

Như vậy, người điều khiển phương tiện đăng ký nước ngoài vào Singapore sẽ phải trả phí chồng phí: Phí đường bộ đối xứng cùng với phí nhập cảnh phương tiện (VEP), phí cầu đường và phí đường bộ điện tử đã được sửa đổi (EPR) ở khu vực ra vào cửa khẩu ở Tuas hoặc Woodlands. Tính đến tháng 2/2017, mỗi phương tiện đăng ký từ Singapore vào Malaysia phải trả tổng cộng 36,5 ringgit Malaysia (tương đương 185 nghìn VND) cho các loại phí; Trong khi đó, các phương tiện đăng ký từ Malaysia vào Singapore phải trả tổng cộng 47,9 Singapore đô la (tương đương 756 nghìn VND). Tính toán cho thấy, các phương tiện từ Malaysia gánh lượng phí gấp 4,1 lần so với các phương tiện từ Singapore.

Hiện nay, mỗi ngày, hơn 250.000 người thường xuyên di chuyển từ Malaysia tới Singapore bằng các phương tiện đăng lý tại Malaysia. Dù áp phí, người dân Malaysia vẫn phải sang Singapore vì phần lớn họ đều là những người sống tại Malaysia nhưng làm việc tại Singapore.

Không chỉ ảnh hưởng tới người dân, quy định này có thể ảnh hưởng tới thị trường kinh tế giữa hai nước. Vì phần lớn các sản phẩm tại Singapore đều đến từ Malaysia nên nếu các phương tiện vận chuyển hàng hoá giữa hai nước bị tính phí cao thì không ai khác, chính người tiêu dùng phải gánh chịu.

Chính sách “đua phí”

Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore Khaw Boon Wan cho biết, Chính phủ có “chính sách lâu dài” về việc theo đuổi bất cứ loại lệ phí, thuế nào mà Malaysia áp đặt tại cửa khẩu. “Động thái của chúng tôi nhằm đảm bảo Malaysia phải cân nhắc phản ứng của chúng tôi bất cứ khi nào họ tăng hoặc đưa ra lệ phí mới”, ông Khaw nói và cho biết thêm, Malaysia đã thu khoảng 13,9 triệu ringgit Malaysia (tương đương 70,8 tỷ VND).

Cao ủy Singapore khẳng định, Chính phủ nước này sẽ dỡ bỏ biện pháp trả đũa khi nào Malaysia áp phí đường bộ tại tất cả các cửa khẩu giữa nước này với các nước khác như: Thái Lan, Brunei và Indonesia. “Chừng nào Singapore còn là nước duy nhất bị ảnh hưởng vì phí đường bộ của Malaysia thì chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải áp dụng RRC”, thông báo khẳng định.

Về phía Malaysia, ông Mohamed Khaled Nordin Thủ hiến bang Johor - nơi tiếp giáp với Singapore cho rằng: “Đó là quyền của Singapore, chúng tôi không thể ép họ không được đánh phí lên các phương tiện nước ngoài”, ông Nordin nói. Thay vì cân nhắc chuyện thay đổi chính sách, ông Nordin gợi ý người Malaysia vào Singapore qua các cửa khẩu sử dụng phương tiện công cộng thay vì lái xe cá nhân”.

Ông Park Byung Joon - một giảng viên cấp cao tại Học viện Quản lý Singapore chia sẻ: Người điều khiển phương tiện từ Thủ đô Kuala Lumpur có thể đi tới Johor Baru rồi dừng lại, gửi xe và lên hệ thống giao thông công cộng của Singapore sang nước này”.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.