Singapore ra chỉ thị đặc biệt với Uber - Grab |
Sau khi Uber tại Đông Nam Á được bán cho Grab, nhiều nước trong khu vực như: Singapore, Malaysia đã có một số động thái để đảm bảo không xảy ra tình trạng độc quyền, tăng giá gây ảnh hưởng tới khách hàng và tài xế hợp tác.
Singapore điều tra thỏa thuận Grab-Uber, ra chỉ thị đặc biệt
Mới đây, trong một động thái bất ngờ, Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) đã đề xuất Chỉ thị biện pháp tạm thời (IMD) đối với các công ty gọi xe qua phần mềm Grab, Uber về việc sáp nhập của họ và buộc phải “duy trì hoặc khôi phục cạnh tranh và đảm bảo các điều kiện thị trường”.
Theo đề xuất của Cơ quan Giám sát cạnh tranh Singapore, cả Uber - Grab đều phải duy trì mức giá, chính sách giá, các lựa chọn sản phẩm đối với “các dịch vụ đặt xe và vận tải hành khách” từ trước khi có giao dịch sáp nhập tại Singapore.
“Đồng thời Grab, Uber không được trao đổi bất cứ thông tin bảo mật nào của nhau bao gồm khung giá, công thức tính, dữ liệu về khách hàng, tài xế”, Ủy ban cho biết. Grab cũng sẽ phải đảm bảo rằng, các tài xế Uber gia nhập nền tảng gọi xe của Grab một cách tự nguyện và không bị áp bất cứ điều khoản đặc biệt hoặc phí chấm dứt hợp đồng…
Đây là lần đầu tiên CCS đề xuất Chỉ thị biện pháp tạm thời đối với một hoạt động kinh doanh tại Singapore. Ủy ban này cũng nói thêm rằng, nếu các bên đã thực hiện bất cứ hành động nào sai trái trước khi IMD được đưa ra thì cần phải giải quyết ngay lập tức, kể cả đổi ngược hành động hoặc thực hiện một động thái khác phù hợp với CCS.
“Các bên buộc phải tuân thủ IMD trừ khi chỉ thị này được CCS rút lại hoặc hai bên kháng cáo thành công tại Ban Kháng cáo về Cạnh tranh”, CCS yêu cầu. Giải thích lý do đưa ra chỉ thị đặc biệt, Ủy ban Cạnh tranh Singapore cho biết, họ đang mở một cuộc điều tra hồi đầu tuần qua về việc Uber - Grab đã thực hiện “giao dịch mà không báo trước” về việc bán hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á cho Grab.
“CCS có cơ sở hợp lý để nghi ngờ thỏa thuận giữa hai hãng đặt xe qua điện thoại này vi phạm Điều 54 trong Luật Cạnh tranh Singapore nhằm giảm đáng kể cạnh tranh liên quan tới các tài xế vận tải khách từ điểm tới điểm và thị trường dịch vụ đặt xe tại Singapore”, thông báo cho biết.
“Vì Ủy ban Cạnh tranh Singapore chưa hoàn tất quá trình điều tra nên họ đã đề xuất IMD đối với cả hai công ty để bảo lưu và khôi phục các điều kiện thị trường và cạnh tranh. Theo Luật Cạnh tranh Singapore, CCS có quyền để đưa ra chỉ thị tạm thời liên quan tới các hoạt động sáp nhập mà không được thông báo cho cơ quan này và đang trong quá trình điều tra”, CCS lập luận lý do đưa ra IMD.
Malaysia đảm bảo nhân viên Uber được Grab tuyển dụng
Trước Singapore vài ngày, chính phủ Malaysia cũng cảnh báo sẽ có hành động pháp lý đối với nền tảng đặt xe qua điện thoại Grab nếu họ quyết định tăng giá sau khi sáp nhập với Uber.
Bộ trưởng Nội vụ Malaysia, Nancy Shukri cho biết: “Tôi đã gặp đại diện Grab và họ đảm bảo toàn bộ quá trình chuyển giao cổ phần sẽ không ảnh hưởng tới giá cả. Trong trường hợp họ tăng giá, chúng tôi sẽ cân nhắc hành động pháp lý theo Luật Cạnh tranh 2010, trong đó ngăn chặn tình trạng và các giao ước độc quyền giữa các tập đoàn lớn thao túng giá hàng hóa và dịch vụ”, bà Nancy Shukri nói.
Với các cáo buộc nhân viên Uber bị sa thải hoặc gặp bất lợi sau thương vụ Grab-Uber “về một nhà”, bà Nancy khẳng định: “Theo thông tin tôi nhận được, các nhân viên Uber chỉ nghỉ việc tạm thời để Grab có thể tìm một vị trí công việc thích hợp cho họ. Họ đang được hưởng chế độ nghỉ việc có lương trong 3 tháng tới với đầy đủ lợi ích về y tế cho đến khi Grab tìm được một vị trí mới cho họ”, bà Nancy Shukri nói và cho biết thêm, Uber có 80 nhân viên tại Malaysia.
Nữ Bộ trưởng Nội vụ Malaysia cho biết: Nước này sẽ không chính sách hóa vấn đề sáp nhập Uber vào Grab vì thương vụ này không chỉ diễn ra tại Malaysia mà trên khắp Đông Nam Á”, bà Nancy nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận