Các phương tiện giao thông công cộng Singapore không có người soát vé mà kiểm soát qua camera |
Thiệt hại 5,2 triệu USD vì hành vi trốn vé
Theo dữ liệu mới nhất vừa được công bố vào tháng 9/2017, thiệt hại về kinh tế từ các vụ trốn vé phương tiện vận tải công cộng mà Singapore phải gánh chịu trong năm 2016 là 5,2 triệu USD. Một số hành vi vi phạm điển hình như lẻn theo sau người có thẻ vé để qua cửa ra - vào sân ga tàu điện ngầm hoặc sử dụng thẻ được chuyển nhượng từ người khác trên xe buýt... Ngoài ra, còn có những hành vi khác như: Không trả tiền vé, trả thiếu tiền, lạm dụng các loại vé chuyển nhượng hoặc không thể chuyển đổi.
Sở dĩ hành khách sử dụng phương tiện công cộng tại Singapore có kẽ hở để gian lận là do xe buýt hay tàu điện MRT tại đây đều không có người soát vé. Người dân có thể đi vé chặng bằng cách mua ở máy bán vé tự động hoặc nạp tiền vào một loại thẻ từ gọi là EZlink. Khi muốn lên tàu điện MRT hay xe buýt, hành khách chỉ việc chạm thẻ vào máy tính tiền ở cửa lên, có tín hiệu báo là được chấp nhận và làm tương tự lúc xuống xe. Tất cả hoạt động này được giám sát bằng camera.
Đánh mạnh vào kinh tế để điều chỉnh hành vi
Dù thiệt hại vẫn ở mức hàng triệu USD, nhưng con số này thực chất đã giảm nhẹ sau khi chính phủ tăng cường quy định, chế tài xử phạt hành vi gian lận vé từ đầu năm ngoái. Singapore bắt đầu tăng gấp 2,5 lần mức phạt liên quan tới các hành vi gian lận vé phương tiện giao thông công cộng (GTCC) từ 20 USD lên 50 USD từ ngày 29/2/2016.
Mức phạt 50 USD cũng được áp dụng với những hành vi lạm dụng chuyển nhượng vé. Tổng mức phạt cho các hành vi gian lận vé đã tăng gấp đôi từ 50 USD lên tới 100 USD (2,27 triệu VND). Chỉ giới chức GTCC như thanh tra việc sử dụng vé, thanh tra sân ga mới có quyền phạt hành khách. Đồng thời, lực lượng này bắt buộc phải trình giấy tờ khi làm nhiệm vụ.
Singapore áp dụng chế tài xử phạt lần đầu tiên vào tháng 7/2008 khi đứng trước tình hình thiệt hại 10,8 triệu USD/năm vì các hành vi gian lận vé. Sau khi áp dụng quy định trên đến năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2016, thiệt hại về gian lận giảm xuống 6,1 triệu USD/năm. Sau một thời gian tăng mức phạt lên gấp đôi, thống kê đến hết năm tài khóa vào ngày 31/3/2017, thiệt hại giảm xuống 5,2 triệu USD.
Về số lượng hành vi, năm tài khóa 2016 đã xảy ra 7.618 hành vi gian lận vé trên phương tiện công cộng. Con số này giảm 15% so với tổng số 8.989 vụ trong năm tài khóa trước, kết luận từ Hội đồng Giao thông công cộng (PTC) cho biết.
Để siết chặt hơn nữa chế tài xử phạt, Singapore sửa đổi bổ sung quy định trong đó phát hiện và phạt người vi phạm ngay từ khi họ có ý định trốn vé, theo chân người đi trước để qua cửa. Trước đó, người vi phạm chỉ bị phạt khi đã lên tàu/xe buýt và di chuyển một đoạn đường nhất định.
Nhà khai thác GTCC hàng đầu quốc đảo Sư tử “Go-Ahead Singapore” đã triển khai thêm 8 nhân viên GTCC để giám sát và ngăn chặn hành vi trốn vé. Đại diện Go-Ahead cho biết, tính đến nay, họ đã phát hiện 56 trường hợp trốn vé, trong đó 86% vụ liên quan tới hành vi không quẹt thẻ giao thông.
Ngoài ra, các tài xế điều khiển xe buýt, giới chức GTCC cũng thường xuyên giám sát, kêu gọi người tham gia giao thông thực hiện đúng quy định cũng như nâng cao ý thức với người lần đầu vi phạm. Các nhà khai thác GTCC khác như SBS Transit, SMRT và Tower Transit Singapore từ chối cung cấp chi tiết các phương án họ đang áp dụng để đối phó với tình trạng trốn vé.
Người phát ngôn PTC đánh giá: “Nhìn chung, việc thực thi chế tài trừng phạt mạnh mẽ hơn đã có hiệu quả răn đe đối với các hành vi trốn vé”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận