Một cổng ERP nằm trong hệ thống thu phí đường bộ điện tử được Singapore đưa vào sử dụng từ năm 1998 tới nay |
Cơ quan Giao thông Vận tải và Đất đai Singapore (LTA) tuần trước cho biết, sẽ đưa vào sử dụng hệ thống thu phí đường bộ điện tử (Electronic Road Pricing - ERP) thế hệ mới dựa trên công nghệ định vị vệ tinh (GNSS).
“Đừng băn khoăn để cải tiến”
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Đất đai Singapore Lui Tuck Yew về hệ thống thu phí đường bộ mới của quốc đảo này. Theo ông Lui, hệ thống ERP mới xứng đáng được đầu tư vì đáp ứng được 3 tiêu chí: Kiểm soát tắc nghẽn, tạo điều kiện cho người sử dụng xe, kiểm soát phí sử dụng đường bộ. Định vị toàn cầu sẽ giúp nhận định chính xác xe đang hoạt động trên những con đường tắc nghẽn, do đó sẽ giúp tính phí một cách công bằng hơn cho tài xế, ông Lui nói.
Với hệ thống mới này, mỗi chiếc xe sẽ tự động trở thành một bộ cảm biến, giúp LTA có cái nhìn tổng thể, chính xác về tình hình giao thông và can thiệp nếu cần thiết. Thậm chí, LTA sau đó có thể truyền ngược trở lại các dữ liệu này cho lái xe, giúp họ lập kế hoạch cho cuộc hành trình, tránh các con đường tắc nghẽn.
Ông Lui nói: “Chi phí hoạt động hàng năm của ERP đã tăng 80% trong 10 năm qua và phần lớn các hệ thống cần phải được bảo trì hoặc thay thế ở cuối mỗi chu kỳ hoạt động, ngay cả khi chúng ta không thay đổi sang hệ thống ERP mới dựa trên GNSS”.
Ngoài ra, Bộ trưởng LTA cũng cho rằng, các cổng ERP hiện tại đang chiếm một phần diện tích không nhỏ trên các con đường mà lẽ ra có thể trồng cây xanh ven đường. Đó là chưa kể người lái xe có thể “bỏ qua” một cổng ERP nếu thiết bị trong xe họ không bật. Trong khi đó, hệ thống mới có thể kiểm soát một cách toàn diện sự gia tăng đầu xe, kiểm soát dân số, cũng như tăng cường cải thiện và thúc đẩy giao thông công cộng.
Gần 400 triệu USD cho hệ thống thu phí mới
Theo kế hoạch, dự án này có trị giá 556 triệu SGD (gần 400 triệu USD), bắt đầu được triển khai từ quý II/2016. Hai nhà thầu chính xây dựng hệ thống ERP mới là Tập đoàn Hệ thống máy tính Quốc gia Singapore (NCS) và Mitsubishi Heavy Industries thuộc Tập đoàn hệ thống động cơ châu Á (MHI). Hệ thống này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2020. Sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng, hệ thống thu phí hiện tại sẽ chạy song song với hệ thống mới.
CAN dẫn lời ông Chia Wee Boon, Giám đốc điều hành của NCS cho biết: “Nhiều thành phố, đô thị đang phải đối mặt với thách thức về tình trạng tắc nghẽn giao thông. Dự án này sẽ góp phần cải thiện diện mạo giao thông thông minh Singapore”. Trong khi đó, ông Hisaji Takeuchi, Tổng giám đốc cấp cao của Mitsubishi Heavy Industries thì kỳ vọng, hệ thống ERP mới sẽ đảm bảo lợi ích thiết thực cho các tài xế Singapore.
Hệ thống ERP sẽ nhắc nhở các tài xế có ý thức về việc đóng góp chi phí đường bộ mà họ đang sử dụng, cũng như cách mà họ sử dụng đường như thế nào. Cùng với đó, chúng tôi sẽ mở rộng và cải thiện mạng lưới giao thông công cộng, giúp con người ít phụ thuộc vào xe hơi và sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn - như mục tiêu mà Chính phủ Singapore hướng tới”. Ông Chew Men Leong, người đứng đầu LTA |
So với hệ thống ERP cũ được áp dụng từ 1998, hệ thống mới có những ưu điểm vượt trội như: Thay vì sử dụng các cổng thu phí đặt trên các con đường như trước đây, hệ thống mới sử dụng định vị vệ tinh để nhận diện quãng đường đi của xe; Giảm ùn tắc giờ cao điểm mà nhà quản lý vẫn có thể tính phí đường bộ một cách chính xác.
Với công nghệ định vị vệ tinh, lái xe lập tức có đầy đủ thông tin về hành trình, điều kiện giao thông, thông tin bãi đậu xe, đoạn đường nào đang làm hay đang sửa chữa, chi phí quãng đường… thông qua duy nhất một thiết bị thông minh đặt trên xe.
Các camera giám sát sẽ được lắp dày hơn trên cột đèn và các cầu đường trên cao. Ngoài ra, để thanh toán phí, lái xe vẫn vẫn thông qua thiết bị On Board Units (OBU) được gắn trên xe. Người dùng cũng có thể lựa chọn thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận