Vòng xuyến giao thông trên Đại lộ Thăng Long |
Giảm ùn tắc với mô hình hình xuyến
Chia sẻ với Báo Giao thông, em Vũ Thành Long, lớp Đường bộ Khóa 51, Đại học GTVT cho biết, đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ mô hình nút giao thông đảo xuyến, đảo tròn ở Việt Nam đang áp dụng. Tuy nhiên, có những nút chỉ đặt đảo tròn vào giữa ngã tư; Kích thước nhiều đảo bố trí không hợp lý. Đơn cử như các nút trên đường Nguyễn Chánh - CD1, Trần Đăng Ninh - Chùa Hà, Lê Đức Thọ - Đường K1, Lê Đức Thọ - Trần Hữu Dực... bố trí đặt đảo tròn không tính kích thước, chỉ để mọi người di chuyển xung quanh đảo đó. “Thành ra xe chạy quanh đảo rất lớn và hỗn độn, thường gây ùn tắc”, Long nói.
Chính thực tế này đã thôi thúc em mày mò nghiên cứu và đề xuất mô hình giao thông hình xuyến. Đặc điểm của giao thông hình xuyến là có tính truy cập cao, có thể thích hợp với nút giao thông nhiều nhánh (5, 6, 7 nhánh…). Do không hạn chế các xe rẽ trái, xe quay đầu như ở nút giao thông thông thường, nên dòng phương tiện được lưu thông liên tục, khả năng thông qua lớn, việc dừng lại khi qua nút được hạn chế, tính an toàn được nâng cao, giảm thiểu khả năng tai nạn lớn. Nút giao thông hình xuyến còn giúp giảm tiêu hao nhiên liệu và ô nhiễm môi trường.
“Do dòng phương tiện lưu thông trong nút giao hình xuyến là một chiều, nên các xe ra vào nút chỉ phải thực hiện các thao tác tách nhập dòng; Thời gian chờ trung bình ít hơn so với các loại hình nút giao thông cùng mức điều khiển theo luật, hoặc nút có đèn tín hiệu, có cùng cấp hạng đường và lưu lượng giao thông”, Long lý giải.
Xem video ùn tắc giao thông ám ảnh người Hà Nội:
Đặc biệt, giá thành xây nút giao hình xuyến dựng thấp, không mất chi phí điều khiển, vận hành. Bên cạnh đó, nút giao thông hình xuyến còn tạo mỹ quan cho đô thị, bởi vòng tròn giữa có thể làm vườn hoa, quảng trường, tượng đài. Ý tưởng thiết kế với mô hình nút giao hình xuyến nhiều ưu điểm này đã được Thành Long mang tham dự cuộc thi “Virtual Design Word Cup” tổ chức tại Nhật Bản. Đề tài được hội đồng các giáo sư ĐH Harvard (Mỹ), ĐH Keio (Nhật Bản), ĐH Quốc gia Chiao Tung (Đài Loan) đánh giá rất cao và đã vinh dự dành giải Á quân.
Đèn tín hiệu có đồng hồ đếm ngược gây ùn tắc
Cũng nghiên cứu trên các tuyến đường ở Hà Nội, em Trần Văn Huân, sinh viên lớp Cầu đường bộ Khóa 52 (Trưởng nhóm nghiên cứu về đèn tín hiệu đếm ngược), Đại học GTVT nghiên cứu tại các nút giao có đèn tín hiệu để tìm hiểu nguyên nhân ùn tắc ở những nút này và chọn ra giải pháp.
Theo em Huân, các nút giao thông ở Hà Nội sử dụng đèn tín hiệu có đồng hồ đếm ngược thường xuyên có hiện tượng người tham gia giao thông xuất phát sớm hơn tín hiệu đèn. Điều này làm tăng khả năng ùn tắc do các phương tiện dòng khác chưa thoát ra khỏi nút giao. Ngoài việc gây ùn tắc, nguy cơ TNGT cũng cao hơn do các phương tiện khác bất ngờ và không quan sát được. Trong phạm vi nghiên cứu, nhóm đã lựa chọn một số nút giao thông điển hình với trạng thái đèn tín hiệu đang hoạt động khác nhau: Có đồng hồ đếm ngược và không có đèn đồng hồ đếm ngược tại Hà Nội để khảo sát.
Kết quả cho thấy, cấu tạo đèn có và không có đếm ngược ảnh hưởng lớn đến hành vi người tham gia giao thông. Cụ thể, với nút có đồng hồ đếm ngược, 73% các xe thường xuất phát sớm trước khi đèn tín hiệu chuyển sang xanh. Trong khi đó, ở nơi đèn không đếm ngược chỉ với 26%. “Đối với các nút giao thông có mật độ lưu thông lớn, nên bố trí đèn tín hiệu không có đồng hồ đếm ngược để giảm thiểu tối đa tình trạng ùn tắc, xung đột và mang lại sự an toàn cao hơn cho người tham giao giao thông. Đây cũng là xu hướng tiến tới văn minh đô thị và văn minh trong ứng xử về hành vi giao thông”, Huân nói.
Trao đổi với Báo Giao thông ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, cả hai nghiên cứu của các bạn sinh viên Đại học GTVT đều có thể áp dụng ngay trong thực tiễn giao thông tại Việt Nam. Tuy nhiên trước khi áp dụng, các nhà quy hoạch, các chuyên gia giao thông… cần có góc nhìn tổng thể, nghiên cứu ở góc độ sâu hơn nữa để thấy tuyến đường nào cần áp dụng mô hình hình xuyến, nút giao nào nên áp dụng đèn tín hiệu không có đồng hồ đếm ngược. Còn TS. Đặng Minh Tân, Giảng viên Khoa Cầu đường bộ, Đại học GTVT cũng cho biết: “Tôi đã dẫn dắt nhiều thế hệ sinh viên ra nước ngoài tham dự các cuộc thi về giao thông. Ở nước ngoài họ tổ chức rất nhiều cuộc thi để từ những nghiên cứu của sinh viên họ có thêm ý tưởng áp dụng vào thực tiễn”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận