Giao thông

Sinh viên tạo app nhiều tiện ích cho lái xe

11/01/2019, 06:48

Tích hợp chỉ dẫn, cảnh báo giao thông, đọc báo qua giọng nói... ứng dụng trợ lý ảo cho tài xế mang tên Vadi...

15

Nhóm SV với ứng dụng VADI đoạt giải: Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Hoàng Kỳ, Tô Thu Trang (ĐH Ngoại Thương), Hoàng Sơn, Ân Nguyễn Quỳnh Anh(từ trái qua phải)

Huy động cộng đồng quan tâm giao thông

Chỉ trong một thời gian ngắn, ứng dụng Vadi - trợ lý ảo cho tài xế của nhóm sinh viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông K59, trường ĐH Bách khoa Hà Nội có “duyên” với khá nhiều giải thưởng bởi tính sáng tạo và ứng dụng cao.

Thai nghén ý tưởng từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, nhóm Vadi bắt đầu thực hiện. Mất chừng 6 tháng, nhóm bạn trẻ Công nghệ thông tin Bách khoa chào hàng một sản phẩm được đánh giá mang tính thực tiễn cao.

Nguyễn Hoàng Kỳ - một thành viên của nhóm chia sẻ, quá trình nghiên cứu, nhóm gặp nhiều khó khăn trong xử lý kỹ thuật cũng như ứng dụng công nghệ mới, do liên quan nhiều lĩnh vực trong công nghệ bản đồ, như làm thế nào để thông báo nhanh nhất và chính xác nhất…

Lần lượt ẵm về các giải thưởng từ giải Ba Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học (SV NCKH) của Đại học Bách khoa Hà Nội, đến giải Ba và giải Sản phẩm có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ấn tượng nhất, được yêu thích nhất tại cuộc thi Sáng tạo Các giải pháp công nghệ giao thông thông minh - AngelHack Hackathon 2018 và mới đây ứng dụng Vadi lại tiếp tục đoạt giải Nhì ở Cuộc thi chung kết toàn quốc “HS, SV với ý tưởng khởi nghiệp năm 2018” do Bộ GD&ĐT tổ chức. 

“Chuyện thức trắng đêm mày mò không phải hiếm nhưng niềm đam mê khoa học, đặc biệt với sự hỗ trợ tận tình của thày, cô trường ĐH Bách khoa, chính là động lực để sản phẩm ra đời với tiến độ nhanh không tưởng”, sinh viên Hoàng Sơn cho biết.

Nguyễn Hoàng Kỳ cho hay, sử dụng trợ lý ảo, tài xế sẽ được cảnh báo giao thông sớm, trong khoảng cách 300m trước những sự cố như: Tắc đường, TNGT, ngập lụt, hay ngã tư có đèn báo hiệu hỏng… từ đó đưa ra gợi ý về các cung đường an toàn khác để tài xế lựa chọn.

Quan trọng hơn nữa là ứng dụng Vadi xây dựng mạng xã hội giao thông với việc huy động sức mạnh cộng đồng. Mỗi tài xế khi tham gia giao thông có thể gửi những thông tin, cảnh báo giao thông trực tiếp trên app thông qua giọng nói hoặc nhấn vào ký hiệu có trên màn hình để chia sẻ với cộng đồng sử dụng app về tình hình, sự cố giao thông nơi mình đang di chuyển để các tài xế sớm có phương án giao thông khác…

“Điều khác biệt ở Vadi chính là người dùng có thể điều khiển và tương tác với ứng dụng bằng chính giọng nói của mình. Điều này tạo ra một tiện ích cho tài xế, giúp họ an toàn khi đang điều khiển phương tiện”, Kỳ chia sẻ.

Bên cạnh đó, trợ lý ảo Vadi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo kênh báo nói với công nghệ lõi chuyển văn bản thành tiếng Việt, một công trình của nhóm Vbee - một kết quả chuyển giao công nghệ từ Viện CNTT&TT, trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Vadi sẽ tự động tổng hợp 30 đầu báo thường xuyên đưa tin nóng hổi nhất và đọc báo cho lái xe trong quá trình họ di chuyển. Đây là ứng dụng nổi bật nhất của sản phẩm “trợ lý ảo”. So với các ứng dụng tương tự, trợ lý ảo cung cấp giọng đọc tự nhiên giống người thật, có ngữ điệu và cảm xúc. Hiện tại, Vadi cung cấp đa dạng giọng đọc nam, nữ miền Bắc và miền Nam.

Sẽ tiếp tục hoàn thiện

Nhắc đến sản phẩm Vadi, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giảng viên trường ĐH Bách khoa nhận định, dù ý tưởng đã xuất hiện trong app khác, nhưng rời rạc như đọc báo bằng người thu âm, hay bản đồ, chỉ dẫn giao thông, cảnh báo. Tuy nhiên, ở ứng dụng này là sự tích hợp, đáp ứng đa nhu cầu và mang lại kênh giải trí toàn diện cho người sử dụng.

“Dù cộng tác 1 năm, nhóm sinh viên chịu khó tự mày mò kiến thức, công nghệ mới. Vadi là kết quả của một tập thể trong đó sinh viên đóng góp chủ yếu về mặt xây dựng ứng dụng trên công nghệ lõi của Vbee. Nhóm nhận nhiều hỗ trợ về định hướng giải pháp từ các thầy cô giáo, chi phí phát triển và triển khai ứng dụng từ Vbee như domain, server cho việc liên tục thu thập báo điện tử chuyển thành báo nói, hay thu thập dữ liệu cảnh báo giao thông…”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.

Cũng theo chia sẻ của Hoàng Kỳ, “trợ lý ảo” dành cho lái xe đã được triển khai trong thực tế và hoàn toàn miễn phí. Tính đến thời điểm này, sau khoảng 8 tháng tung lên App store đã có khoảng hơn 10.000 người dùng và được đánh giá ở mức điểm 4,8 trên thang điểm 5.

“Trợ lý ảo” dành cho lái xe đã nhận được những ý kiến chia sẻ tích cực trên mạng như: “giọng đọc chuẩn, hay hơn Google. App khá tiện ích khi cần tìm đường và khá dễ sử dụng” (tài khoản có tên Trương Quang Thắng nhận xét), “Ứng dụng hay, vừa nghe báo, nhận thông tin lại vừa lái xe, Tiết kiệm thời gian cho người dùng” (tài khoản có tên Đinh Thị Thu Huyên viết) hay “Ý tưởng hay, công phu và mang giá trị đến cho người dùng” (tài khoản có tên Nguyễn Bá Tiến cho hay)…

Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đóng góp: “Phần chỉ đường không dùng được offline như google map” (tài khoản có tên Tuấn bình luận), “Ứng dụng tốt nhưng chưa hỗ trợ màn hình…” (tài khoản có tên Mai Văn Sơn phản hồi)…

“Chúng tôi vẫn đang lắng nghe và chờ những phản hồi từ khách hàng để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất, biến sản phẩm trở thành người bạn đường thông minh, tận tụy cho mỗi lái xe”, Kỳ cho biết.

Hiện “trợ lý ảo” sử dụng đội ngũ cộng tác viên để thu thập thông tin về tình hình giao thông từ nguồn VOV Giao thông hoặc các trang facebook về giao thông, đánh dấu trên bản đồ và chuyển lên app để truyền tải đến người dùng. Tuy nhiên, trong tương lai, nhóm thày trò Bách Khoa kỳ vọng khai thác một cách tự động như việc tự bóc tách thông tin trên mạng xã hội hay qua các thông tin Giao thông từ VOV giao thông và các kênh giao thông khác…

“Điểm khác biệt ở chỗ Vadi có thể cung cấp thông tin cảnh báo giao thông theo vị trí và nhu cầu người dùng chứ không phải tiếp nhận thông tin giống nhau như trên các chương trình phát thanh… Như vậy, người dùng hoàn toàn có thể lọc và lựa chọn thông tin thích hợp và theo nhu cầu”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.