Hỏi - Đáp

Sợ bị đánh, tài xế có được bỏ trốn khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn?

03/09/2022, 08:16

Lo sợ bị đánh sau khi gây tai nạn, nhiều tài xế đã bỏ chạy khỏi hiện trường. Vậy rời khỏi hiện trường vụ TNGT có bị coi là tình tiết tăng nặng?

Gửi câu hỏi đến Báo Giao thông, bạn đọc Đồng Anh Tú (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây không ít vụ việc người gây TNGT bị người thân của bị nạn hành hung, đe dọa.

Để tránh việc bị hành hung, đe dọa thì người gây ra vụ TNGT có được phép bỏ trốn khỏi hiện trường hay không? Tài xế phải thực hiện như thế nào để việc rời khỏi hiện trường sau khi gây TNGT không phải là tình tiết tăng nặng?

img

Nếu vì lý do bị đe dọa đến tính mạng có thể rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn

Trả lời những thắc mắc này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, căn cứ theo khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi đã bị pháp luật nghiêm cấm.

Theo đó, pháp luật quy định người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến.

img

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (đoàn luật sư TP.HCM)

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp nếu người gây tai nạn ở lại hiện trường thì có thể bị người thân của nạn nhân hoặc của người tham gia giao thông khác hành hung, tấn công, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe.

Vì vậy, pháp luật cho phép tài xế được rời khỏi hiện trường nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất trong trường hợp: Tài xế cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; Tài xế phải đưa người bị nạn đi cấp cứu nên phải rời hiện trường; Vì lý do bị đe dọa đến tính mạng.

"Trường hợp bạn hỏi, nếu vì lý do bị đe dọa đến tính mạng thì có thể rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn. Và người gây ra vụ TNGT cũng đã trình báo với cơ quan công an ngay sau đó thì đây sẽ không được xem là tình tiết tăng nặng khi bị xử phạt", ông Bình nói.

Khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về vấn đề này cụ thể như sau:

"Điều 38. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.

1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền."

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.