Sáng nay (21/5), UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức họp khẩn để triển khai khẩn cấp công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trong tình hình mới.
Theo báo cáo, tỉnh Bình Định hiện có khoảng 800 ngàn con lợn và trên 200 ngàn lợn con. Hiện nay, DTLCP đang có chiều hướng phức tạp trở lại khi lan ra 34 tỉnh, thành phố. Trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa phát hiện lợn bị bệnh dịch nhưng nguy cơ dịch xâm nhập địa bàn tỉnh Bình Định đang ở mức báo động cao.
Tại cuộc họp, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt, không được thờ ơ, chủ quan trước dịch bệnh.
"Nếu dịch bệnh xảy ra ở huyện nào thì trung tâm dịch vụ ở đó phải chịu trách nhiệm chính, rồi đến Phòng kinh tế và đến Chủ tịch UBND huyện đó. Đối với tỉnh thì trước mắt là Chi cục chăn nuôi thú y, sau đó đến Giám đốc Sở Nông nghiệp rồi cuối cùng là đến tôi”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định
Theo ông Châu, việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là trách nhiệm của tất cả các Sở ngành, đơn vị liên quan chứ không phải của riêng một ai. “Sở Công thương đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều phối, tiêu thụ mà bữa giờ tôi thấy im ru, bình chân như vại, ngồi rung đùi chơi là sao? Trong khi các tỉnh khác, Sở Công thương họ đi kiểm tra, chỉ đạo còn Sở Công thương của mình thì thấy im ru!", ông Châu nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định còn đề nghị ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra các địa phương để bổ sung các phương án cần thiết trong công tác phòng chống DTLCP; xây dựng kế hoạch hỗ trợ thuốc sát trùng cho hộ chăn nuôi và các gia trại, trang trại; giúp các địa phương xây dựng các phương án phòng chống dịch cụ thể, đặc biệt là mỗi địa phương phải chọn trước địa điểm tiêu hủy khi xảy ra dịch để khỏi bị động và phải thành lập đội phản ứng nhanh để ứng phó kịp thời.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong gần 3 tháng qua, công tác phòng chống DTLCP đã được triển khai quyết liệt, nhất là công tác kiểm soát gia súc đi qua địa bàn tỉnh trên những tuyến quốc lộ.
Qua đó, ngành chức năng đã phát hiện 2 trường hợp nhập 75 con heo thịt vào Bình Định mà không khai báo với cơ quan thú y địa phương; không có địa chỉ lò mổ cụ thể; không có giấy chứng nhận tiêm phòng LMLM; không có phiếu kết quả xét nghiệm; không có giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.
Bình Định đã chuyển trả toàn bộ số heo nói trên về nơi xuất phát, trong đó có 55 con về tỉnh Quảng Trị và 20 con về tỉnh Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ông Hổ, Ban chỉ đạo phòng chống DTLCP cấp huyện hầu hết vẫn còn “án binh bất động”, khi tỉnh xuống địa phương kiểm tra mới tháp tùng theo đoàn, chứ chưa chủ động trong công tác này.
“Đề nghị UBND tỉnh phân công cụ thể nhiệm vụ cho BCĐ cấp huyện, nhất là công tác kiểm tra tình hình phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt là việc tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi, tổng hợp báo cáo hàng tuần cho Sở NN-PTNT để Sở trình lên tỉnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận